Vietstock - Quyết định gây sốc của Hàn Quốc làm chao đảo thị trường châu Á, Kospi lao dốc hơn 2%
Sắc đỏ bắt đầu lan rộng trên thị trường tài chính châu Á sau khi một quyết định chính trị bất ngờ từ Seoul làm rung chuyển niềm tin của nhà đầu tư.
Tâm điểm trong phiên 04/12 là chỉ số chứng khoán chủ chốt Kospi của Hàn Quốc đã giảm 2.3%. Đà giảm này xuất phát từ việc Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật vào đêm ngày 03/12, một quyết định sau đó đã được thu hồi nhưng vẫn để lại những hệ lụy đáng kể cho thị trường.
Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối lệnh thiết quân luật
|
Động thái đột ngột từ một nền kinh tế lớn và trụ cột của thương mại toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư châu Á thêm thận trọng, trong bối cảnh khả năng Donald Trump quay trở lại và những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đã làm xấu đi tâm lý thị trường.
Tác động của cơn địa chấn chính trị này cũng lan sang các thị trường lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và Nhật Bản. Trong khi đó, đồng Won đã cho thấy dấu hiệu phục hồi sau cú sốc ban đầu trong phiên giao dịch ngoại hối qua đêm.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có một số biến động trong hôm nay", Jung In Yun, Giám đốc điều hành tại Fibonacci Asset Management Global Pte chia sẻ góc nhìn. "Trong ngắn hạn, đây sẽ là cơ hội mua vào. Dài hạn hơn, vấn đề chiết khấu của Hàn Quốc sẽ tiếp tục tồn tại và cản trở tăng trưởng".
Trên thị trường Mỹ, phản ứng của các nhà đầu tư còn mạnh mẽ hơn khi quỹ ETF iShares MSCI South Korea sụt giảm tới 7.1%. Tại Seoul, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics cũng không thoát khỏi làn sóng bán tháo, giảm nhanh 3%. Trước tình hình này, Hội đồng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã phải tổ chức cuộc họp bất thường để bàn các giải pháp bảo vệ nền kinh tế và thị trường.
Chiến lược gia đầu tư trưởng Charu Chanana tại Saxo Markets đưa ra nhận định thận trọng: "Chắc chắn vẫn còn một số bất ổn tồn tại - nhưng phản ứng nhanh chóng từ các cơ quan chức năng Hàn Quốc có nghĩa là tác động đến khu vực có thể sẽ vẫn hạn chế".
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục nỗ lực bảo vệ đồng Nhân dân tệ bằng cách đẩy tỷ giá tham chiếu hàng ngày lên cao hơn nhiều so với dự báo, sau khi đồng tiền này chạm đáy 1 năm trong phiên trước.
Tại thị trường Úc, đồng AUD cũng giảm giá sau báo cáo tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong quý 3. Về phía Mỹ, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đứng yên ở mức 4.23% sau khi tăng 3 điểm cơ bản, trong khi S&P 500 vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ để thiết lập kỷ lục mới.
Giới đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến báo cáo việc làm sắp công bố của Mỹ và phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, với hy vọng tìm thấy manh mối về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 12. Số liệu mới nhất cho thấy tín hiệu tích cực khi số lượng việc làm tăng và lượng sa thải giảm, phản ánh nhu cầu lao động đang dần ổn định. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Chi nhánh San Francisco Mary Daly vẫn thận trọng khi cho rằng việc cắt giảm lãi suất trong tháng này chưa chắc chắn, dù vẫn nằm trong tầm ngắm.
Lauren Goodwin từ New York Life Investments đã chỉ ra trọng tâm của vấn đề: "Các nhà đầu tư không còn băn khoăn liệu Fed có tiếp tục cắt giảm hay không, mà là thời điểm - tháng 12 hay tháng 1. Chúng tôi dự báo Fed sẽ giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 12, nhưng còn tùy theo diễn biến của dữ liệu".
Sang châu Âu, đồng Euro đứng yên khi mọi sự chú ý đổ dồn vào cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron đã phải lên tiếng kêu gọi các nghị sĩ gác lại tham vọng cá nhân và bác bỏ cuộc bỏ phiếu có nguy cơ lật đổ chính phủ, điều có thể đẩy nước Pháp vào tình trạng hỗn loạn.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu đã tìm được điểm cân bằng sau đợt tăng mạnh nhất trong hơn hai tuần. Vàng cũng ổn định trở lại sau phiên tăng giá hôm thứ Ba, được thúc đẩy bởi nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn giữa những bất ổn chính trị tại Hàn Quốc và Pháp.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)