Vietstock - Đồng đô la tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm
Đồng đô la Mỹ đạt mức cao mới trong gần hai năm qua trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ và các bất ổn địa chính trị ở nước ngoài.
Đô la Mỹ tăng giá mạnh trong tháng qua trong bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn căng thẳng và Fed phát đi các tín hiệu về chu kỳ tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 15 năm qua. Ảnh: Livemint |
Chỉ số đô la Mỹ của Wall Street Journal, đo lường biến động tỷ giá của đô la với một rổ 16 ngoại tệ khác, đã tăng 13 trong 15 phiên giao dịch gần nhất, lên mức cao nhất kể từ tháng 5 -2020. Một diễn biến đáng chú ý là la đô la tăng lên mức cao nhất trong 20 năm qua so với đồng yen, cũng là một ngoại tệ mạnh, do Fed quyết liệt tăng lãi suất, trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất ở các mức cực thấp.
Trong năm nay, đô la Mỹ cũng đã tăng hơn 10% so với đồng yen và tăng hơn 5% so với đồng euro.
Đà tăng giá mạnh mẽ trong năm nay đã đưa đồng đô la hướng đến các mức cao đã đạt được trong cơn hoảng loạn của thị trường do cuộc khủng hoảng đại dịch Covdi-19 hồi tháng 3-2020, khi các nhà đầu tư trên toàn thế giới đổ xô mua đô la, gây ra sự thiếu hụt toàn cầu, khiến Fed phải can thiệp. Đồng đô la mạnh giúp tăng lợi nhuận của các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, nhưng lại gây tổn thương các công ty đa quốc gia vì sản phẩm của họ kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài, đồng thời làm tăng chi phí chuyển đổi doanh thu nước ngoài sang đô la.
Nhà đầu tư Guy Adami, thành viên chương trình bình luận thị trường Fast Money của CNBC, nói: “Cứ mỗi ngày trôi qua, đô la lại tăng giá lên mức cao hơn. Điều này gây khó khăn cho các công ty đa quốc gia trên thị trường nói chung”. Nhà đầu tư Karen Finerman cũng đồng tình với nhận định này. Ông nói: “Nếu bạn đưa doanh thu từ nước ngoài về Mỹ, bạn sẽ có ít đô la hơn cho bất kỳ đồng tiền mà bạn đang chuyển về nước”.
Một yếu tố chính thúc đẩy đô la tăng giá là các kỳ vọng rằng tăng trưởng của Mỹ sẽ vượt xa tốc độ phục hồi của các nền kinh tế khác trên thế giới. Fed đã lên kế hoạch cho một chu kỳ tăng lãi suất nhanh chóng để kiềm chế lạm phát khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.
Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm giữa lúc giới đầu tư đối mặt tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong hơn 15 năm. Các thước đo dựa trên thị trường cho thấy giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất lên 3% vào cuối năm nay. Mức lãi suất cao thường thu hút các nhà đầu tư dồn tài sản vào đồng bạc xanh.
Kristen Macleod, đồng giám đốc bộ phận kinh doanh ngoại hối toàn cầu tại Ngân hàng Barclays, cho biết: “Đồng đô la thường tăng giá mạnh theo hai kịch bản: tâm lý lo ngại rủi ro trên các thị trường tài chính dâng cao hoặc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt trội. Những gì chúng ta chứng kiến trong vài tháng qua, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra la đồng đô la đang được hưởng lợi một chút từ cả hai tình huống này”.
Chiến sự ở Ukraine đã hỗ trợ đồng đô la khi kích hoạt làn sóng tìm nơi trú ẩn an toàn cho các khoản đầu tư, đồng thời đe dọa tăng trưởng ở châu Âu. Chiến tranh đã đẩy tăng giá cả trong một khu vực phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, gây khó khăn cho nhiệm vụ kiểm soát lạm phát nhưng đồng thời phải bảo vệ tăng trưởng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Tuần trước, ECB phát đi tín hiệu rằng sẽ tăng lãi suất chậm hơn so với Fed.
Một số chuyên gia nhận định đô la sẽ thất thế trong năm tới. Họ cho rằng sự suy yếu của thị trường chứng khoán và các sự kiện chỉ diễn ra một lần ở châu Âu, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống Pháp, đã thúc đẩy đà tăng giá mạnh của đồng bạc xanh trong tháng qua.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng đô la còn nhiều dư địa để tăng giá trừ khi dữ liệu kinh tế Mỹ xấu đi hoặc Fed tăng lãi suất chậm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Theo dữ liệu theo dõi dòng tiền khách hàng của Ngân hàng Morgan Stanley, các nhà quản lý tài sản và những nhà đầu tư khác đã mua nhiều đô la hơn so với các loại tiền tệ khác. Điều đó phản ánh sự lạc quan về đồng đô la và và triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
David Adams, Giám đốc bộ phận chiến lược ngoại hối tại Morgan Stanley, nói: “Chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư đang ngày càng nắm giữ đồng đô la nhiều hơn. Câu hỏi quan trọng là trong 6-12 tháng tới, triển vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ như thế nào so với triển vọng tăng trưởng của Mỹ”.
Chánh Tài