Vietstock - Người dân Bắc Kinh đổ xô đi tích trữ thực phẩm
Sau lệnh xét nghiệm hàng loạt, nhiều người dân Bắc Kinh đổ xô đến siêu thị, xếp hàng dài để tích trữ thực phẩm. Họ lo sợ phải đối mặt với cảnh phong tỏa nghiêm ngặt như Thượng Hải.
“Bắc Kinh đã trải qua nhiều dịch bệnh nhưng tôi chưa bao giờ thấy tình trạng như vậy. Có vẻ như sự thất bại trong việc cung cấp (nhu yếu phẩm) và ngăn chặn dịch bệnh sớm của Thượng Hải đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin của người dân", một người dân quận Triều Dương (Bắc Kinh) chia sẻ trên Weibo.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất dấy lên lo ngại rằng thủ đô Bắc Kinh có thể trở thành siêu đô thị tiếp theo của Trung Quốc tạm dừng hoạt động để ngăn chặn biến chủng Omicron.
“Quận Triều Dương hiện là trọng tâm hàng đầu để ngăn chặn dịch bệnh”, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ cho biết.
“Các biện pháp phòng chống dịch quan trọng không thể chờ đến hôm sau. Tất cả địa điểm có nguy cơ và những cá nhân liên quan đến ca mắc Covid-19 phải được kiểm tra ngay trong ngày phát hiện”, ông Thái nói thêm, tỏ rõ sự kiên quyết của chính quyền thành phố.
Người dân xếp hàng dài để mua thực phẩm tại một cửa hàng tạp hóa ở quận Triều Dương, Bắc Kinh (Trung Quốc), vào ngày 25/4. Ảnh: Reuters. |
Đổ xô tích trữ
Trong những ngày qua, Bắc Kinh liên tục ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới. Thành phố đã áp dụng phong tỏa từng phần tại một số khu vực và siết chặt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ.
Sáng 25/4, quận Triều Dương yêu cầu tất cả 3,5 triệu dân phải thực hiện xét nghiệm PCR ba lần trong vòng 5 ngày tới. Lệnh xét nghiệm hàng loạt này được xem là dấu hiệu cho chiến dịch phong tỏa nghiêm ngặt, tương tự như những gì đã xảy ra ở Thượng Hải, theo New York Times.
Do đó, nhiều người dân Bắc Kinh đã đổ xô đến siêu thị để tích trữ thực phẩm. Tại trung tâm mua sắm Shin Kong Place, người dân xếp hàng dài để mua nhu yếu phẩm.
Zhao, 31 tuổi, đã mua nhiều thực phẩm bao gồm trứng và các loại rau tươi sau khi nghe lệnh xét nghiệm hàng loạt. Anh muốn đảm bảo con mình sẽ đủ ăn nếu khu nhà bị phong tỏa.
"Người lớn có thể sống sót trong vài ngày, nhưng trẻ em thì không", Zhao nói với AFP.
Các kệ hàng trống rỗng tại một siêu thị ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, vào ngày 24/4. Ảnh: Reuters. |
Wang, 48 tuổi, ở quận Triều Dương, cũng đến mua hàng tại siêu thị. Cô lo lắng "tình hình sẽ giống như ở Thượng Hải".
"Mọi người đang lo lắng, tích trữ hàng hóa. Chúng tôi cũng lo các mặt hàng có thể hết", cô cho biết, nói thêm rằng gia đình mình đã chuẩn bị thực phẩm đủ cho một tuần.
Trong khi đó, vào 20h ngày 23/4, vài chục người vẫn xếp hàng chờ xét nghiệm PCR tại một điểm xét nghiệm tập trung trên đường phố Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhân viên y tế thông báo rằng họ sẽ đóng cửa.
Điều này khiến những người phải chờ đợi từ lâu trở nên tức giận. Nhiều người thậm chí đã hét vào mặt nhân viên y tế, một số đập phá, cố gắng mở cửa và tranh cãi với nhân viên.
Việc xét nghiệm trong đêm không phải là yêu cầu của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu không có kết quả xét nghiệm mới, người dân không được phép đi tàu hoặc máy bay đến một thành phố khác, trước khi bất kỳ đợt phong tỏa nào có thể xảy ra. Trước đó, vào mùa hè năm 2020, khi một đợt bùng phát dịch Covid-19 nhỏ xảy ra, người dân đã vội vã đến các ga tàu để rời thành phố.
Bài học từ Thượng Hải
Các quan chức Bắc Kinh hy vọng sẽ tránh được tình trạng như Thượng Hải. Thành phố đông dân nhất Trung Quốc đã rơi vào tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt suốt một tháng qua, khiến công chúng bất bình.
“Người dân Thượng Hải chúng tôi cảm thấy có nhiều biện pháp bắt buộc vô lý, khó hiểu và thậm chí tàn nhẫn”, Ji Xiaolong, một cư dân thành phố, cho biết.
“Khi bắt đầu phong tỏa, 80% người dân đã chấp thuận yêu cầu và các chính sách của chính phủ. Bây giờ, tôi ước tính rằng chưa đến 20% còn ủng hộ việc phong tỏa”, ông Ji nói.
Người dân xếp hàng chờ thanh toán tại một siêu thị ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, vào ngày 24/4. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc vẫn kiên quyết bảo vệ chiến lược Zero Covid-19. Cơ quan y tế Thượng Hải hôm 24/4 đã ghi nhận 19.455 ca mắc Covid-19, giảm 1.603 ca so với một ngày trước đó. Thành phố đã cho phép cư dân ở một số khu vực được coi là an toàn ra ngoài, nhưng các quan chức cảnh báo rằng những hạn chế khác vẫn phải được duy trì cho đến khi dịch bệnh bị “xóa sổ”.
“Thượng Hải đang ở một thời điểm quan trọng”, Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan cho biết vào tuần trước. "Đại dịch sẽ không chờ đợi con người và chúng ta không thể nghĩ đến việc nghỉ ngơi".
Tuy nhiên, chiến lược này đang nhận nhiều chỉ trích từ cả các chuyên gia trong nước. Trong bản đệ trình lên chính phủ được lan truyền trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, giáo sư Tang Xiaotian, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cảnh báo các quan chức nên tránh những biện pháp có thể bị coi là bất hợp pháp để giam giữ người dân.
Trong khi đó, giáo sư Liu Xiaobing, Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cuộc phong tỏa ở Thượng Hải đã “làm tổn hại đến uy tín của chính phủ”.
“Những người thực thi chính sách chỉ lo lắng về những rắc rối mà họ có thể tự mang lại nếu nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Họ không bao giờ lo lắng việc bị yêu cầu chịu trách nhiệm với những hậu quả do lệnh hạn chế dai dẳng gây ra", ông Liu viết.
Hải Linh