Vietstock - Nga nhích thêm một bước đến bờ vực vỡ nợ
Nga bị cho là đã phá vỡ điều khoản hợp đồng của hai lô trái phiếu, theo đó nhích thêm một bước nữa tới vụ vỡ nợ cấp quốc gia lần đầu tiên trong khoảng 1 thế kỷ của nước này – hãng tin Bloomberg cho hay...
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: CNBC. |
Uỷ ban Quyết định phái sinh tín dụng (Credit Derivatives Determinations Committee – CDDC) ngày 20/4 nói rằng việc Nga dùng đồng Rúp để thanh toán nợ liên quan đến hai lô trái phiếu USD là sự kiện “khả năng không trả được nợ” đối với các hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS). Bao gồm ba ngân hàng lớn Goldman Sachs (NYSE:GS) và JPMorgan Chase của Mỹ và Barclays của Anh, uỷ ban này nói rằng sự kiện mà họ nhắc đến đã xảy ra vào hôm 4/4.
Tuy nhiên, Nga vẫn tránh được cảnh vỡ nợ nếu dùng USD để trả cho chủ nợ trái phiếu trước khi thời kỳ ân hạn 30 ngày kết thúc vào ngày 4/5.
“Hợp đồng của các lô trái phiếu đó đều nêu rõ rằng việc dùng Rúp để thanh toán cho trái phiếu phát hành bằng USD sẽ cấu thành vỡ nợ”, chiến lược gia Brendan Mckenna của Wells Fargo Securities nhận định. “Đến ngày 4/5, trừ phi những trở ngại quanh việc dùng USD để trả nợ được tháo gỡ - mà điều này khó có khả năng xảy ra, tôi cho rằng Nga sẽ bị tuyên là vỡ nợ trái phiếu quốc tế”.
Nguy cơ vỡ nợ của Nga - dù nước này sở hữu dự trữ ngoại hối lên tới 640 tỷ USD - là một ví dụ nữa cho thấy Moscow đang đương đầu với những thách thức lớn như thế nào do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đưa ra nhằm đáp trả cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Nếu xảy ra, đây sẽ là vụ vỡ nợ nước ngoài đầu tiên của Nga kể từ năm 1918. “Đồng hồ đếm ngược” đang nhích dần đến ngày 4/5 – thời điểm kết thúc ân hạn. Nếu Nga bị tuyên vỡ nợ, những người nắm giữ hợp đồng CDS trái phiếu Nga có thể khởi động quy trình để được thanh toán tiền bảo hiểm cho tổng số nợ khoảng 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế Nga.
Doanh nghiệp Nga đang đối mặt với những trở ngại ngày càng lớn do lệnh trừng phạt áp lên nước này. CDDC đã quyết định rằng các hợp đồng CDS liên quan đến nợ của công ty đường sắt Nga Russian Railways JSC sẽ được kích hoạt, sau khi công ty này không thể thanh nợ trái phiếu đáo hạn do bị chặn bởi trừng phạt.
Chỉ riêng trong tuần này, ba trong số ngân hàng lớn nhất của Nga đã trễ hạn thanh toán tiền lãi trái phiếu. VTB Bank, Alfa Bank và Ngân hàng Nông nghiệp Nga đều đến hạn thanh toán tiền lãi trái phiếu, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa nhận được tiền – theo tiết lộ của nguồn thạo tin với Bloomberg.
Alfa Bank nói rằng ngân hàng này “về mặt kỹ thuật không thể thực thi các nghĩa vụ” liên quan đến trái phiếu đã phát hành ở thị trường châu Âu, dù có tiền mặt để trả nợ. Ngân hàng Nông nghiệp Nga đã xin phép Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) để thực hiện việc trả nợ, đồng thời đề nghị đại lý thanh toán là chi nhánh London của ngân hàng Mỹ BNY Mellon chuyển các hướng dẫn phù hợp đến CBR.
Trong khi đó, VTB đã thực hiện việc thanh toán bằng đồng Rúp – theo tờ báo Nga Vedomosti. Trái chủ ở Nga và các quốc gia “thân thiện” đã nhận được tiền trực tiếp thông qua tài khoản Rúp của họ, trong khi nhà đầu tư ở các nước ‘không thân thiện” đã nhận được tiền Rúp thông qua tài khoản “Type C” mở ở Nga, bài báo cho hay.
Thông thường, một vụ vỡ nợ cấp quốc gia sẽ được tuyên bởi các tổ chức đánh giá tín nhiệm. Tuy nhiên, tuân thủ lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, tất cả các tổ chức đánh giá tín nhiệm của phương Tây đều đã ngừng việc đánh giá Nga.
Trước khi ngừng đánh giá tín nhiệm Nga, S&P Global Ratings đã hạ điểm tín nhiệm của Chính phủ Nga xuống mức “vỡ nợ một phần” (selective default). Moody’s Investors Service khi đó cũng tuyên rằng việc Nga dùng Rúp để thanh toán trái phiếu USD “bị coi là vỡ nợ” nếu vấn đề không được khắc phục trước khi kết thúc thời gian ân hạn. Nhưng Moody’s nói rằng đánh giá này không đồng nghĩa với thay đổi đánh giá tín nhiệm đối với Nga.
Về phần mình, Bộ tài chính Nga lập luận rằng Moscow vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nợ, đồng thời cáo buộc Mỹ và các nước “không thân thiện” khác chặn việc Nga thanh toán cho các chủ nợ, đồng thời đe doạ có hành động pháp lý để đáp trả.
An Huy