Vietstock - TP.HCM công bố các hoạt động liên quan Công ty Việt Á
Chiều qua (23.12), tại buổi họp báo định kỳ, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã chủ động cung cấp thông tin liên quan đến mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế của Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
2 bệnh viện mua kit test của Công ty Việt Á
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết hồi đầu tháng 6.2021 khi dịch Covid-19 phức tạp, ca mắc trong cộng đồng tăng, việc điều tra truy vết cần được thực hiện khẩn trương nên TP kêu gọi hỗ trợ chống dịch.
Bộ kit test SARS-CoV-2 của Công ty CP công nghệ Việt Á. TTXVN |
Sau đó, Công ty Việt Á đề xuất tham gia thực hiện xét nghiệm RT-PCR và được Sở Y tế đồng ý chủ trương cho phép công ty này phối hợp với một bệnh viện đặt trang thiết bị để tổ chức xét nghiệm sàng lọc. Trong 2 tuần, Công ty Việt Á đưa nhân lực và trang thiết bị vào cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu (hiện là Trung tâm hồi sức Covid-19 1.000 giường ở TP.Thủ Đức) thực hiện công việc. Về chi phí xét nghiệm, Tập đoàn Vingroup (HM:VIC) ngỏ lời thanh toán giúp toàn bộ chi phí mà Công ty Việt Á đã hỗ trợ xét nghiệm và được TP.HCM chấp thuận. TP.HCM cũng không mua sắm trang thiết bị và vật tư tiêu hao của doanh nghiệp này trong thời gian sau đó.
Trả lời câu hỏi có bao nhiêu bệnh viện mua sắm kit test từ Công ty Việt Á, bà Mai cho biết qua rà soát các cơ sở công lập (không thống kê bệnh viện tư nhân) thì có 2 bệnh viện mua sắm kit test của Công ty Việt Á. Cụ thể, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 kit test với tổng giá trị trên 636 triệu đồng, tương đương 509.250 đồng/kit test theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Đơn vị còn lại là Bệnh viện TP.Thủ Đức mua sắm 65.870 kit test với tổng giá trị hơn 32 tỉ đồng, tương đương 486.154 đồng/kit test theo hình thức chỉ định thầu.
“Hiện các cơ quan chức năng đang kiểm tra, giám sát, điều tra đối với 2 đơn vị này. Chúng tôi sẽ thông tin sau khi có kết quả”, bà Mai cho hay.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, qua các đợt dịch Covid-19 diễn ra từ 22.1.2020 và đến ngày 26.4.2021, TP.HCM đã xét nghiệm RT-PCR hơn 500.000 mẫu. Trong đợt dịch thứ 4, vào tháng cao điểm, từ ngày 23.8 - 28.9, TP.HCM triển khai 7 đợt xét nghiệm tầm soát cho người dân vùng nguy cơ cao, tổng cộng hơn 15,1 triệu test nhanh ở vùng cam, vùng đỏ và 265.000 RT-PCR cho vùng xanh, vùng vàng.
Chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết công an đã rà soát hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư chống dịch Covid-19 để xác định có hành vi vụ lợi, tham ô hay không.
Đối với 2 bệnh viện mua kit test của Công ty Việt Á, ông Hà cho rằng nên nhìn nhận, đánh giá khách quan vào từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể chứ không nên gán ghép cứ liên quan đến Công ty Việt Á là vi phạm. Trong đó, cơ sở quan trọng nhất là đối chiếu với thời điểm Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mua kit test. “Nếu có trục lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có vấn đề tư lợi khi thi hành công vụ thì cơ quan điều tra và các đơn vị mới xử lý. Trước mắt, không thấy có dấu hiệu vi phạm về giá so với hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Hà thông tin.
Về công tác phòng chống tội phạm liên quan đến hoạt động phòng chống dịch, ông Hà cho biết Công an TP.HCM yêu cầu các đơn vị chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Kết quả, Công an TP.HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hiện và xử lý hình sự các hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ để trục lợi liên quan đến thuốc điều trị Covid-19 và tiêm ngừa vắc xin. Cụ thể, đã khởi tố 18 vụ, trong đó có 1 vụ tham ô, 4 vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi, 1 vụ sản xuất vật tư y tế giả và 12 vụ lừa đảo trong mua bán vật tư y tế.
“Công an TP.HCM đã có kế hoạch phối hợp với Sở Y tế tiếp tục rà soát, nắm tình hình chung về mua sắm trang thiết bị vật tư y tế để phát hiện và xử lý vi phạm, nếu phát hiện vụ việc mới sẽ chủ động thông tin tới báo chí.
Duy Tính