Vietstock - Lạm phát Mỹ tiếp tục tăng tốc, chạm mức 2.7% trong tháng 11
Giá cả tiếp tục tăng nhanh hơn trong tháng 11, qua đó cho thấy lạm phát vẫn là vấn đề đáng quan ngại đối với cả hộ gia đình và các nhà hoạch định chính sách.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Lao động công bố vào thứ Tư, CPI tăng 0.3% so với tháng trước và tăng 2.7% so với cùng kỳ. Hai con số này hoàn toàn trùng khớp với dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế.
Đáng chú ý, ngay cả khi loại bỏ hai yếu tố biến động mạnh là thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng ở mức đáng quan ngại 3.3% so với cùng kỳ và 0.3% so với tháng trước. Điều này cho thấy áp lực lạm phát đang lan rộng ra nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác trong nền kinh tế.
Các con số lạm phát mới công bố hoàn toàn trùng khớp với những dự báo từ Dow Jones, tạo thêm cơ sở cho quyết định quan trọng của Fed trong tuần tới.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia phân tích tại Phố Wall đang đặt cược mạnh vào khả năng Fed sẽ hạ lãi suất chuẩn thêm 0.25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 18/12. Tuy nhiên, nhiều khả năng Fed sẽ tạm dừng trong tháng 1 để có thời gian đánh giá kỹ lưỡng tác động của chuỗi cắt giảm lãi suất trước đó đến sức khỏe nền kinh tế.
Dù đã giảm đáng kể so với đỉnh điểm 40 năm vào giữa 2022, song lạm phát vẫn dao động trên ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Điều này khiến không ít nhà hoạch định chính sách tỏ ra lo ngại. Một số thành viên Fed gần đây đã cảnh báo rằng nếu lạm phát không có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng hơn, họ có thể buộc phải điều chỉnh chậm lại lộ trình cắt giảm lãi suất.
Nếu tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tuần tới, lãi suất chuẩn của Fed sẽ giảm tổng cộng một điểm phần trăm lãi suất quỹ liên bang kể từ tháng 9.
Chi phí nhà ở tiếp tục là "nỗi đau" của Fed
Trong bức tranh lạm phát tháng 11, chi phí nhà ở nổi lên như một điểm nóng đáng quan ngại khi tăng 0.3% và đóng góp tới 40% vào tổng mức tăng CPI. Đáng chú ý, dù các chuyên gia của Fed và nhiều nhà kinh tế kỳ vọng áp lực từ mảng nhà ở sẽ dịu đi nhờ việc đàm phán lại các hợp đồng thuê mới, thực tế cho thấy hạng mục này vẫn tăng đều đặn mỗi tháng. Tính trong 12 tháng qua, chỉ số chi phí nhà ở đã tăng tới 4.7%.
Thị trường ô tô cũng chứng kiến diễn biến đáng chú ý khi đảo ngược xu hướng giảm gần đây. Giá xe đã qua sử dụng bất ngờ tăng 2% trong tháng qua, trong khi giá xe mới cũng tăng 0.6%. Song song đó, chi phí thực phẩm tăng 0.4% so với tháng trước và 2.4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng năng lượng ghi nhận mức tăng nhẹ 0.2% trong tháng nhưng vẫn giảm 3.2% so với năm trước.
Đáng lo ngại hơn, thu nhập thực tế của người lao động đang chịu áp lực đáng kể từ lạm phát. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập bình quân theo giờ gần như đứng im trong tháng 11. Nếu so với cùng kỳ, thu nhập bình quân vẫn tăng 1.3%.
Vũ Hạo