Vietstock - JPMorgan, BlackRock cảnh báo về nguy cơ lan truyền từ các thị trường mới nổi
Đầu tiên là làn sóng bán tháo ở Argentina, kế đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Và không lâu sau đó, các tài sản từ Nam Phi cho tới Brazil và Indonesia đều đang bị cuốn vào làn sóng bán tháo trên khắp khu vực thị trường mới nổi.
Đây là một hiện tượng mà nhiều nhà đầu tư và chiến lược gia từ JPMorgan Chase & Co (NYSE:JPM). cho tới BlackRock gọi là “sự lan truyền” (contagion).
Lập luận của họ là: Mặc dù các tài sản này có thể đem lại giá trị trong dài hạn, nhưng nhà đầu tư sẽ bán đi các tài sản tương đối an toàn để bù đắp các khoản lỗ của các tài sản từ các thị trường dễ bị tổn thương hơn hoặc tệ hơn là xem tất cả thị trường mới nổi đều như nhau và bán đổ bán tháo tất cả tài sản từ khu vực này. Tâm lý bầy đàn bắt đầu hiện rõ, điều này có nghĩa nhà đầu tư không còn quan tâm tới rủi ro và tỷ suất sinh lợi tiềm năng ở mỗi quốc gia riêng lẽ nữa.
“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng niềm tin ở các thị trường mới nổi, trong đó hiện rõ mức độ lan truyền rủi ro”, Pablo Goldberg, Chuyên gia quản lý tiền tệ ở BlackRock tại New York, cho hay. “Với những diễn biến trong ngắn hạn thì thật khó để nhảy vào thị trường”.
Tiền tệ của các quốc gia đang phát triển đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017, trong đó đồng Peso (Argentina), Lira (Thổ Nhĩ Kỳ) và Rupee của Án Độ nằm trong số những đồng tiền rơi xuống mức thấp kỷ lục trong thời gian gần đây, qua đó củng cố thêm cho quan điểm cho rằng đây không còn là tình trạng diễn ra riêng biệt cho từng quốc gia nữa. Cũng đáng chú ý là đồng Rupiah của Indonesia rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từ 2 thập kỷ trước.
Căng thẳng thương mại toàn cầu, đà tăng của đồng USD và triển vọng nâng lãi suất nhiều hơn tại Mỹ đã khiến dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi chậm lại ở mức 2.2 tỷ USD trong tháng 8/2018, thấp hơn nhiều so với mức 13.7 tỷ USD hồi tháng 7/2018, dựa trên dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington.
“Đây không phải là câu chuyện tích cực cho các thị trường mới nổi”, Anastasia Amoroso, Chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại JPMorgan Private Bank ở New York, cho biết trên Bloomberg TV. “Khi chiến tranh thương mại vẫn còn là tâm điểm chú ý và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, tôi nghĩ chúng ta đang trong một môi trường thúc đẩy đồng USD tăng mạnh hơn”.
Cơ hội mua vào
Một số nhà đầu tư xem làn sóng bán tháo hiện tại là cơ hội mua vào tài sản ở thị trường mới nổi, dựa trên cơ sở các yếu tố cơ bản mạnh, như lạm phát suy giảm, thặng dư thương mại và chênh lệch tăng trưởng giữa các thị trường mới nổi và thị trường phát triển.
“Một trong những điều thú vị từ tình trạng lây lan là làn sóng bán tháo ở cả thị trường yếu và mạnh”, Arjun Jayaraman, Chuyên gia quản lý quỹ tại Causeway Capital Management LLC ở Los Angeles, cho hay. “Đó là khi bạn buộc phải nhảy vào và mua những đồng tiền mạnh, những quốc gia xuất khẩu và có thặng dư trong tài khoản vãng lai”.
Jayaraman nhận định, chứng khoán từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan có vẻ hấp dẫn trong môi trường như thế này.
Ông Amoroso cho biết, nhà đầu tư cuối cùng sẽ muốn tham gia thị trường trái phiếu nội địa, còn ông Goldberg tỏ ra ưa chuộng trái phiếu Chính phủ của các nước có đồng tiền mạnh nếu lo ngại thương mại suy giảm.
Áp lực lên các thị trường mới nổi có lẽ sẽ tiếp diễn ở thời điểm hiện tại, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Nam Phi, Pakistan, Brazil và Ấn Độ nằm trong những quốc gia có liên kết yếu nhất, các chiến lược gia tại Wolfe Research cho biết trong một báo cáo gửi tới khách hàng.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)