Vietstock - IMF cảnh báo rủi ro của tiền điện tử ở các thị trường mới nổi
Hôm thứ Ba, trong một báo cáo về sự ổn định tài chính toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo việc giao dịch tiền điện tử tăng đột biến ở các thị trường mới nổi có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu. IMF cũng nhận thấy cuộc chiến ở Ukraine đang làm lộ rõ những rủi ro của hệ thống thanh toán tiền điện tử.
“Hậu quả của việc Nga xung đột với Ukraine và các lệnh trừng phạt tiếp theo tiếp tục ảnh hưởng đến toàn cầu và sẽ kiểm tra khả năng phục hồi của hệ thống tài chính thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm việc tăng tốc ra mắt tiền điện tử ở các thị trường mới nổi, những nguy cơ trực tiếp và gián tiếp của các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng phải đối mặt, cũng như những sự kiện liên quan đến an ninh mạng”, IMF cho biết trong báo cáo.
IMF nhấn mạnh tiền điện tử được sử dụng ngày càng tăng ở các thị trường mới nổi kể từ khi đại dịch bắt đầu, và lưu ý khối lượng giao dịch tài sản tiền điện tử so với một số loại tiền tệ của thị trường mới nổi đã tăng vọt kể từ khi phương Tây trừng phạt Nga.
Tether - đồng tiền điện tử có giá trị ổn định (stablecoin) phổ biến nhất được sử dụng để thanh toán các giao dịch giao ngay và phái sinh - đã chứng kiến sự tăng vọt về khối lượng giao dịch so với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi. Mức tăng đột biến đó đặc biệt đáng chú ý ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có tỷ giá hối đoái biến động cao và việc sử dụng các tài sản tiền điện tử đã đạt được sức hút trong vài năm qua.
Mặc dù phần lớn sự gia tăng đó bắt nguồn từ các nhà đầu cơ, nhưng việc chuyển hướng sang sử dụng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán có thể tạo ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, IMF cho biết.
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã làm lộ rõ rủi ro của các hệ thống thanh toán tiền điện tử, mà về bản chất là phi tập trung. Việc thiếu một hệ thống thanh toán tập trung khiến việc theo dõi hoạt động bất hợp pháp đối với tiền điện tử và thực thi các biện pháp trừng phạt trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi thanh toán quốc tế ngày càng tăng.
IMF cảnh báo các sàn giao dịch tiền điện tử không tuân thủ các lệnh trừng phạt hoặc giám sát đúng cách hoạt động bất hợp pháp có thể bị sử dụng để lách lệnh trừng phạt. Đồng thời, tổ chức này cho rằng loại công nghệ mà tiền điện tử sử dụng làm tăng tính bí mật của các giao dịch, cho phép chúng được che đậy dễ dàng hơn.
Vào đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện rằng Mỹ đang theo dõi liệu tiền điện tử có được sử dụng để trốn tránh các lệnh trừng phạt hay không, mặc dù bà cho biết Bộ Tài chính chưa thấy loại hoạt động đó.
IMF cảnh báo theo thời gian, các nước bị trừng phạt như Nga có thể tận dụng khai thác tiền điện tử để tăng doanh thu cho kho bạc quốc gia. Việc khai thác các loại tiền điện tử như Bitcoin, vốn sử dụng rất nhiều năng lượng, có thể cho phép các nước kiếm tiền từ các nguồn năng lượng của họ trực tiếp trên các blockchain và bên ngoài hệ thống tài chính mà không bị vướng các lệnh trừng phạt. Doanh thu trung bình hàng tháng của việc khai thác Bitcoin trong năm ngoái khoảng 1.4 tỷ USD, 11% trong số đó được thu bởi các “thợ đào” đến từ Nga, dựa trên phân tích dữ liệu của IMF từ chỉ số Tiêu thụ điện để đào Bitcoin của Cambridge.
Làm thế nào để chống lại rủi ro tiền điện tử?
Để bảo vệ hệ thống tài chính trước những rủi ro từ tiền điện tử, IMF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách phát triển những tiêu chuẩn toàn cầu cho tài sản tiền điện tử, lưu ý cần có sự giám sát mạnh mẽ hơn đối với các công ty fintech và những nền tảng tài chính phi tập trung.
IMF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách phát triển những quy định phối hợp đối với tài sản tiền điện tử để quản lý dòng vốn, tạo ra sự hợp tác quốc tế, giải quyết những khoảng cách về dữ liệu và tận dụng công nghệ. IMF cho rằng các cơ quan quản lý cũng nên thành lập Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế để thực thi các tiêu chuẩn nhằm chống lại những dòng vốn bất hợp pháp.
Các khuyến nghị của IMF được đưa ra khi chính quyền Biden nghiên cứu cách kiểm soát tiền điện tử. Như một phần trong cách tiếp cận của chính quyền, các quan chức đang trao đổi với các đối tác quốc tế về cách điều hành tiền điện tử. Các nhà lập pháp ở cả Hạ viện và Thượng viện cũng đã đưa ra đề xuất để giám sát những stablecoin, mặc dù chưa có đề xuất nào đạt được sức hút.
Nhã Thanh (Theo Cryptonews)