Vietstock - Dow Jones sụt hơn 800 điểm, chứng khoán châu Âu lao dốc hơn 3%
Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày thứ Tư (28/10), nối tiếp đà giảm của thị trường châu Âu, khi nhà đầu tư lo ngại sự bùng nổ về số ca nhiễm Covid-19 có thể chặn đứng đà hồi phục kinh tế.
Tính tới lúc 22h23 ngày thứ Tư (28/10 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 823 điểm (tương đương 3%), S&P 500 sụt 2.9% và Nasdaq Composite mất 3%.
Ở châu Âu, chỉ số DAX của Đức lao dốc 4.4% xuống thấp nhất kể từ cuối tháng 5/2020, còn CAC 40 của Pháp mất 3%. Chỉ số FTSE 100 ở London lao dốc 3.2%.
Đà tăng vọt của số ca nhiễm Covid-19 khiến một số quốc gia tái áp đặt một số biện pháp giãn cách xã hội. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi phong tỏa một cách hạn chế trong ngày 28/10. Trong khi đó, Reuters dẫn lại nguồn tin cho biết Pháp sắp ban hành sắc lệnh cách ly tại nhà. Ở Mỹ, bang Illinois đã yêu cầu thành phố Chicago đóng cửa dịch vụ phục vụ thức ăn trong nhà.
Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Mỹ tăng ở mức trung ibfnh 71,832 ca trong tuần qua, dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy. Trong khi đó, số ca nhập viện vì Covid-19 tăng 5% hoặc hơn ở 36 bang, theo dữ liệu mới nhất.
“Tôi nghĩ rồi sẽ xuất hiện lời kêu gọi áp các biện pháp như đã thấy ở Chicago”, Jim Cramer của CNBC cho biết trong ngày 28/10. “Đợt phong tỏa mà không có gói kích thích chính là những gì chúng ta đang chứng kiến”.
“Thật đáng ngại, vì nếu có gói kích thích, chúng ta đã có thể tập trung vào lợi nhuận và lợi nhuận doanh nghiệp thực sự có thể rất tốt”, ông nói.
Bị tác động mạnh là những cổ phiếu được cho là bị tổn thương vì các đợt phong tỏa hoặc đà giảm tốc kinh tế. Cổ phiếu Delta Air Lines rớt 6.2%, Royal Caribbean mất 5.8%. Cổ phiếu Facebook (NASDAQ:FB), Alphabet và Twitter cũng giảm mạnh khi các CEO (HN:CEO) của các công ty này điều trần trước các thành viên Thượng viện. Cổ phiếu Facebook và Twitter sụt gần 4%, còn Alphabet lao dốc gần 5%.
Nhà đầu tư chuyển sang trái phiếu để trú ẩn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 0.75%. Chỉ số Cboe Volatility Index (VIX) – thước đo mức độ sợ hãi trên thị trường – tăng vượt ngưỡng 40% lên cao nhất kể từ ngày 15/06.
“Sự bất ổn về các biện pháp giới hạn di chuyển và chính trị Mỹ khiến thị trường vẫn còn biến động mạnh”, Giám đốc đầu tư phụ trách quản lý tài sản toàn cầu tại UBS, cho biết trong một báo cáo. “Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục dự báo thị trường sẽ đi lên trong trung hạn”.
“Với 10 loại vắc-xin tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên toàn cầu, kịch bản cơ bản của chúng tôi là các biện pháp kiểm soát có thể bắt đầu được gỡ bỏ trước quý 2/2021, qua đó giúp lợi nhuận doanh nghiệp hồi phục lại mức trước dịch vào cuối năm 2021”, ông nói.
Vũ Hạo (Theo CNBC)