Vietstock - Dow Jones mất hơn 200 điểm, Nasdaq Composite đứt mạch 3 phiên tăng liền
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Năm (13/01) khi đà phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ mờ nhạt, xóa sạch đà tăng từ hồi đầu tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 rớt 1.42% xuống 4,659.03 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 2.51% còn 14,806.81 điểm. Chỉ số Dow Jones lùi 176.70 điểm (tương đương 0.49%) xuống 36,113.62 điểm, sau khi tăng hơn 200 điểm vào đầu phiên.
Đà suy giảm của các cổ phiếu công nghệ lớn, bao gồm cổ phiếu Amazon (NASDAQ:AMZN) mất 2.4% và cổ phiếu Microsoft (NASDAQ:MSFT) sụt 4.2%, đã gây áp lực lên Nasdaq Composite. Cổ phiếu Snap lao dốc 10%, còn cổ phiếu Virgin Galactic “bốc hơi” gần 19% sau khi báo cáo nợ. Cổ phiếu Tesla (NASDAQ:TSLA) giảm hơn 6%.
Đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ là chấm dứt mạch 3 phiên tăng liên tiếp của Nasdaq Composite. Nhóm cổ phiếu công nghệ biến động mạnh từ đầu năm 2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẽ đối phó lạm phát một cách tích cực trong năm nay, bao gồm hành động nâng lãi suất và có khả năng cắt giảm bảng cân đối kế toán.
Báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ cũng mang đến một số tích cực cho thị trường trong ngày thứ Năm. Delta Air Lines công bố doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch, và tái khẳng định triển vọng của cả năm, qua đó đưa cổ phiếu này tăng hơn 2%. Cổ phiếu KB Home leo dốc hơn 16% sau khi báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự báo.
Trong diễn biến khác, cổ phiếu Boeing (LON:SBA) vọt gần 3% sau khi Bloomberg News đưa tin chiếc máy bay 737 Max của hãng có thể tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc ngay trong tháng này.
Những động thái trên thị trường ngày thứ Năm diễn ra khi một báo cáo lạm phát khác cho thấy lạm phát đang rất cao theo lịch sử, nhưng không quá tệ như một số chuyên gia kinh tế lo ngại. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 12 tại Mỹ tăng 0.2% so với tháng trước, thấp hơn dự báo 0.4% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy nhiên, chỉ số này đã vọt 9.7% so cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2010.
Báo cáo này được đưa ra sau dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12 công bố vào ngày 12/01, một thước đo lạm phát quan trọng, đã tăng 7% so cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Thống kê Lao động của Bộ. Đó là mức tăng cao nhất kể từ năm 1982, nhưng phần lớn trùng khớp với dự báo.
An Trần (Theo CNBC)