Vietstock - Chính sách của Fed trong năm 2025 tùy thuộc nhiều vào ông Donald Trump
Sau cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2024, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi những tín hiệu thận trọng hơn về việc cắt giảm lãi suất. Triển vọng chính sách của Fed sẽ thay đổi như thế nào trong năm 2025.
Lạm phát dai dẳng tiếp tục cản bước Fed
Các số liệu công bố hôm thứ Sáu tuần trước (20-12) cho thấy, Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,3% của tháng 10. Chỉ số giá PCE lõi (đã loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng) tăng 2,8% - bằng với mức của tháng trước.
Việc lạm phát hàng năm tăng nhanh hơn, hoặc bằng với mức của tháng trước là lời cảnh báo rằng các nỗ lực của Ngân hàng trung ương Mỹ nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Vẫn có một số dấu hiệu cho thấy, tiến trình kiềm chế lạm phát không bị đình trệ quá nhiều, khi cả chỉ số PCE và PCE lõi đều ghi nhận mức tăng theo tháng là 0,1% - thấp hơn so với dự báo của giới chuyên gia và số liệu của tháng 10. Tuy nhiên, nhìn chung, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lập trường thận trọng của Fed.
Sau nhiều tháng lạm phát được kiềm chế và thị trường việc làm có dấu hiệu chậm lại, Fed bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9 năm nay, và đã cắt giảm ba lần với tổng cộng 1 điểm phần trăm.
Giờ đây, giai đoạn tiếp theo của chính sách tiền tệ sẽ trở nên khó đoán định hơn nữa khi lạm phát vẫn đang là bài toán khó giải. Trong dự báo mới công bố, giới chức Fed đã nâng kỳ vọng Chỉ số giá PCE lõi lên mức 2,5% trong năm 2025, giảm nhẹ so với mức 2,8% trong năm nay nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.
Cùng với đó, Fed đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2025 lên mức 2,1%, đồng thời kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp là 4,3%. Báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân công bố hôm thứ Sáu tuần trước cũng cho thấy chi tiêu tiêu dùng - động lực chính của nền kinh tế Mỹ vẫn đang ổn định, với mức tiêu dùng cá nhân (đã điều chỉnh theo lạm phát) ghi nhận mức tăng theo tháng 0,3% - cao hơn mức 0,1% của tháng 10.
Lạm phát vẫn dai dẳng, trong khi nền kinh tế và thị trường việc làm ổn định được coi là những điều kiện không phù hợp với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Do vậy, không có gì khó hiểu khi biểu đồ dot plot - thể hiện kỳ vọng của các thành viên trong Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) về mức lãi suất của Fed, cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ dự báo chỉ có hai lần giảm lãi suất trong cả năm 2025 - giảm một nửa so với mức bốn đợt giảm lãi suất được đưa ra trong dự báo hồi tháng 9.
“Tốc độ cắt giảm lãi suất chậm hơn trong năm tới thực sự phản ánh mức lạm phát cao hơn mà chúng ta đã ghi nhận trong năm nay, cũng như những dự báo lạm phát cao hơn”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong buổi họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 12.
Những yếu tố khó đoán định trong năm 2025
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi cuối tuần trước, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams nhận định, lãi suất vẫn đang ở mức “hạn chế” - đè nặng lên nền kinh tế và có tác dụng kiềm chế lạm phát. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, nền kinh tế “đang phải đối mặt với rất nhiều yếu tố không chắc chắn trong năm 2025”.
Trong đó, yếu tố khó đoán định hơn cả chính là những thay đổi dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Kể từ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump đã liên tục phát đi những thông điệp về các chính sách kinh tế, được dự báo sẽ làm gia tăng nguy cơ lạm phát và khiến Fed có lập trường thận trọng hơn.
“Chúng tôi chờ đợi những thay đổi chính sách đáng kể”, Chủ tịch Fed Powell cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư tuần trước (18-12). “Chúng tôi cần xem chúng là gì và sẽ có tác động ra sao”.
Các nỗ lực của Fed hiện đang tập trung vào mục tiêu duy trì lạm phát ở mức mục tiêu 2% và đảm bảo số việc làm tối đa. Tuy nhiên, các mục tiêu này hiện đang bị thách thức bởi các chính sách thuế quan và ngăn chặn người nhập cư mà ông Trump đề xuất, dự kiến có thể làm gia tăng áp lực lạm phát và thắt chặt thị trường lao động.
“Hầu như mọi khía cạnh trong chính sách của ông Trump đều có vẻ như sẽ đe dọa đến nhiệm vụ của Fed”, bà Julia Coronado, người sáng lập kiêm chủ tịch của MacroPolicy Perspectives và cựu chuyên gia kinh tế của Fed, chia sẻ với tờ Financial Times. “Chúng ta không còn ở trong giai đoạn Trump 1.0 nữa. Đây là Trump 2.0. Fed đang đối mặt với mức lạm phát cao hơn mức mục tiêu và cần phải đi trước một bước”.
Giới chức Fed đang cố gắng tìm hiểu xem, thuế quan từ chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế, và có thể đẩy lạm phát lên đến mức nào. Hiện vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, như mức thuế quan sẽ là bao nhiêu, và các quốc gia sẽ phản ứng thế nào.
Trong một nghiên cứu hồi tháng trước, Ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS) đã cảnh báo rằng mức thuế mà ông Trump đề xuất đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico sẽ làm tăng lạm phát gần 1%. Theo các chuyên gia, mỗi điểm phần trăm trong mức tăng thuế mà ông Trump đề xuất sẽ khiến chỉ số giá PCE tăng thêm 0,1 điểm phần trăm.
Nhà phân tích David Mericle của Goldman Sachs đánh giá, việc Fed giảm một nửa số lần cắt giảm lãi suất trong dự báo chính sách có thể là cách chuẩn bị ứng phó với tác động của thuế quan. “FOMC sẽ thận trọng hơn vì lo ngại rằng việc cắt giảm lãi suất quá mạnh tay có thể không phù hợp nếu thuế quan khiến lạm phát tăng mạnh”.
Những dự báo về triển vọng chính sách của Fed
Theo Ngân hàng UBS, lạm phát lõi tại Mỹ sẽ chậm lại, xuống dưới mức 2,5% vào thời điểm diễn ra cuộc họp của Fed vào tháng 6, và có thể mang lại cho Fed sự tự tin cần thiết để bắt đầu cắt giảm lãi suất trở lại. UBS dự báo, Fed sẽ thực hiện hai đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong tháng 6 và tháng 9, giảm một nửa so với kỳ vọng trước đây là cắt giảm một lần trong mỗi quí của năm 2025.
Nhiều chuyên gia khác tại Phố Wall lại có quan điểm thận trọng hơn khi đề cập đến khả năng Fed sẽ chỉ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất hoặc thậm chí không có đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm 2025.
“Chúng tôi nghĩ, tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh hơn nhiều so với kỳ vọng của Fed và mức lãi suất mà Fed hướng tới sẽ cao hơn 3%, có lẽ gần hơn với phạm vi 4,5-5%”, các chuyên gia của Yardeni Research cho biết.
Thậm chí, nhà Kinh tế trưởng Torsten Sløk của Apollo Global Management còn nhận định rằng, khả năng Fed tăng lãi suất trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra, khi chính phủ mới áp dụng các chính sách giảm thuế, tăng thuế quan và hạn chế nhập cư. Theo tính toán của ông, “có tới 40% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào năm 2025”.
Theo ông Francesco Bianchi, Giáo sư kinh tế vĩ mô và Chủ nhiệm khoa kinh tế tại Đại học John Hopkins, những tín hiệu về động thái tiếp theo của Fed có thể trở nên rõ ràng hơn, sau ngày ông Trump nhậm chức.
Cũng theo Giáo sư Bianchi, mối quan hệ không mấy suôn sẻ giữa vị Tổng thống đắc cử Mỹ và Chủ tịch Fed có thể là một biến số khác trong quá trình ra quyết định của Fed.
Nhiệm kỳ Chủ tịch Fed còn kéo dài đến tháng 5-2026, ông Powell được dự báo sẽ đối mặt với áp lực lớn. Tổng thống Donald Trump thường có thói quen chỉ trích các hành động của Fed trên mạng xã hội, và các nghiên cứu của Giáo sư Bianchi cho thấy những thông điệp này thực sự có tác động đáng kể đến thị trường.
“Có khả năng là nếu ông Trump bắt đầu chỉ trích Fed về việc lãi suất ở mức quá cao, thị trường có thể bắt đầu điều chỉnh kỳ vọng về lãi suất trong tương lai”, Giáo sư Bianchi cho biết, “và điều này có thể gây áp lực khiến Fed buộc phải thực sự thực hiện các bước đi hướng tới mức lãi suất thấp hơn này”.
Lạc Diệp (Nguồn: New York Times, UBS, Fortune, Financial Times, Forbes)