Vietstock - Bốc hơi 900 điểm, Dow Jones chứng kiến phiên tồi tệ nhất trong năm
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (26/11) khi một biến thể Covid-19 mới được tìm thấy ở Nam Phi đã dẫn đến sự tháo chạy toàn cầu khỏi các tài sản có rủi ro.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 905.04 điểm (tương đương 2.53%) xuống 34,899.34 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Chỉ số S&P 500 mất 2.27% còn 4,594.62 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite lùi 2.23% xuống 15,491.66 điểm. Dow Jones đã sụt hơn 1,000 điểm ở mức đáy trong phiên.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 25/11 cảnh báo về một biến thể Covid-19 mới đã được phát hiện ở Nam Phi. Biến thể mới chứa nhiều đột biến đối với protein, thành phần của virus liên kết với tế bào, dễ lây lan hơn so vơi biến thể delta. Do những đột biến này, các nhà khoa học lo ngại nó có thể làm tăng khả năng kháng vắc-xin, mặc dù WHO cho biết cần phải điều tra thêm. Vào ngày thứ Sáu, WHO coi chủng virus mới là một biến thể đáng lo ngại và đặt tên nó là omicron.
Vương quốc Anh đã tạm ngừng các chuyến bay từ 6 quốc gia châu Phi do biến thể này. Israel đã cấm di chuyển đến một số quốc gia sau khi có báo cáo về một trường hợp biến thể ở khách du lịch. 2 trường hợp được xác định ở Hồng Kông. Bỉ cũng xác nhận 1 ca biến thể.
Giá trái phiếu tăng và lợi suất trái phiếu giảm trong bối cảnh dòng tiền đổ về các kênh trú ẩn an toàn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm mất 15 điểm cơ bản còn 1.49%. Đây là một sự đảo chiều mạnh mẽ, khi lợi suất đã nhảy vọt hồi đầu tuần vượt mức 1.68%. Lợi suất trái phiếu tỷ lệ nghịch với giá.
Các thị trường châu Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hồng Kông đều giảm hơn 2%. Chỉ số Dax của Đức mất hơn 4%. Đồng Bitcoin sụt 8%.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX (HM:VIX)), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng lên 28, mức cao nhất trong 2 tháng. Giá dầu cũng sụt giảm, với hợp đồng dầu WTI lao dốc 12% và rớt mốc 70 USD/thùng.
Các cổ phiếu liên quan đến du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với cổ phiếu Carnival Corp. và Royal Caribbean lần lượt sụt 11% và 13.2%. Cổ phiếu United Airlines lao dốc hơn 9%, còn cổ phiếu American Airlines rớt 8.8%. Cổ phiếu Boeing (LON:SBA) mất hơn 5%, và cổ phiếu Marriott International giảm gần 6.5%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng suy giảm do lo ngại đà giảm tốc ở các hoạt động kinh tế và lãi suất giảm. Cổ phiếu Bank of America rớt 3.9% và cổ phiếu Citigroup lùi 2.7%.
Các cổ phiếu công nghiệp liên quan đến kinh tế toàn cầu chìm trong sắc đỏ, dẫn đầu là đà giảm 4% của cổ phiếu Caterpillar (NYSE:CAT). Cổ phiếu Chevron mất 2.3% khi nhóm cổ phiếu năng lượng phản ứng với đà sụt giá dầu thô.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư hướng về các nhà sản xuất vắc-xin. Cổ phiếu Moderna (NASDAQ:MRNA) bứt phá hơn 20%. Cổ phiếu Pfizer (NYSE:PFE) vọt 6.1%.
Ngày thứ Sáu là một phiên giao dịch rút ngắn vì kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn với thị trường Mỹ đóng cửa sớm vào 01 giờ chiều (giờ địa phương). Những tuần nghỉ lễ thường có khối lượng giao dịch tương đối thấp, điều này có thể làm tăng biến động trên thị trường.
Tuần qua, Nasdaq Composite sụt 3.5%, còn S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm 2.2% và 2%.
An Trần (Theo CNBC)