"Tôi cảm thấy như mình đã bị lừa", một số người mua bất động sản cho biết khi họ đã phải chờ đợi 8 năm vẫn chưa được nhận nhà. Tình trạng này đã phần nào phản ánh thị trường bất động sản tại Trung Quốc hiện nay. Nỗi khổ của người dân mua nhà tại Trung Quốc
Một nhóm khoảng 1.500 người mua nhà ở thành phố Thiên Tân, gần Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn chưa nhìn thấy những căn hộ mà họ đã mua khoảng 8 năm trước - chưa nói đến việc được chuyển đến và sinh sống.
Như thường lệ, khu chung cư phức hợp ở Thiên Tân đã bán được các căn hộ trước khi dự án hoàn thành. Lời hứa hẹn của chủ đầu tư là chúng sẽ hoàn thiện vào năm 2019 nhưng phần lớn vẫn chưa hoàn thành, theo lời của 5 người mua nhà đã nói chuyện với CNBC qua điện thoại (được yêu cầu giấu tên). Theo đó, những người mua bao gồm cả những người đã trả toàn bộ số tiền cũng như trả các khoản nhỏ theo đợt.
Một nhóm khoảng 1.500 người mua nhà ở thành phố Thiên Tân, gần Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn chưa nhìn thấy những căn hộ mà họ đã mua khoảng 8 năm trước. Ảnh minh họa |
Sau những nỗ lực ban đầu nhằm lấy lại tiền hoặc thu thập thông tin về bất động sản đã mua, một số người cho biết cảnh sát đã đến thăm nhà họ, đôi khi vào lúc nửa đêm. “Tôi cảm thấy như mình đã bị lừa suốt thời gian qua. Yêu cầu duy nhất của tôi là có thể trả lại căn nhà và lấy lại tiền. Ngay cả khi tôi có thể mua được căn nhà, tôi vẫn cảm thấy tồi tệ”, một người mua cho biết.
Một số người mua thì chia sẻ họ đã mua căn hộ để tặng bố mẹ làm nơi nghỉ hưu hoặc cho con cái đi học gần đó. Trong 8 năm chờ đợi để chuyển đến, một người mua còn nói cha mẹ của họ đã qua đời trước khi được nhìn thấy căn nhà. Người khác cũng nói con họ đã lớn và tìm được trường học khác mà vẫn chưa được chuyển đến đây ở.
>> Hệ thống siêu đập thủy điện khủng hàng đầu lịch sử nhân loại của quốc gia cạnh Việt Nam bất ngờ có ‘tin vui’
Nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank (Trung Quốc) Dan Wang nói với CNBC: “Tôi nghĩ đó là một sự phản ánh khác về mức độ khó khăn của các nhà phát triển bất động sản. Những gì xảy ra ở Thiên Tân không phải là một hiện tượng khác biệt. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều trường hợp như vậy xảy ra trong thời gian tới”.
“Bóng đen” phủ lên thị trường bất động sản Trung Quốc
Các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đã phải gánh mức nợ cao trong những thập kỷ qua. Trong một trường hợp điển hình, tập đoàn Evergrande (HK:3333) đã vỡ nợ vào cuối năm 2021. Vào thời điểm đó, công ty này là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và trước đó có các dự án trị giá 1,26 nghìn tỷ nhân dân tệ (174 tỷ USD) đang được xây dựng.
Được biết, theo ước tính vào cuối năm ngoái của Nomura, Trung Quốc có khoảng 20 triệu căn nhà đã bán trước nhưng chưa hoàn thiện hoặc bị trì hoãn.
“Bóng đen” đang phủ lên thị trường bất động sản Trung Quốc |
Nhà phát triển trong trường hợp tại Thiên Tân là Zhuoda Yidu. Cuối tháng trước, họ đã yêu cầu người mua nhà đồng ý với phương án giải quyết tranh chấp.
Theo đó, một tài liệu chỉ ra các căn hộ ở khu phức hợp này có thể được hoàn thành vào năm 2025 hoặc 2026 nếu trong vài tuần tới, người mua đồng ý thanh toán mọi khoản tiền còn lại cho việc mua bất động sản của họ, cùng với các chi phí khác do chủ đầu tư xác định.
Lời đề nghị đó đã không đưa ra giải pháp thay thế và cho biết bất động sản phải được định giá theo giá trước khi thị trường sụp mạnh - hoặc gấp đôi hay cao hơn mức hiện tại, theo so sánh với giá môi giới niêm yết. Nhưng đề nghị lại không kể đến 8 năm hao mòn và làm gián đoạn kế hoạch cuộc sống của các gia đình.
Một người mua nói về ngôi nhà được mua hồi năm 2016 của mình: “Tiền trả trước là của bố tôi. Tôi không thể nói với ông rằng nó vẫn chưa hoàn thành. Trong thời gian đại dịch Covid-19, tôi đã nói với ông ấy rằng sẽ có sự chậm trễ. Bây giờ đã không còn dịch bệnh nên chẳng có lời bào chữa nào cả”.
Ngoài việc trả đầy đủ tiền mua căn hộ đó, người mua này vẫn phải trả khoản thế chấp hàng tháng khoảng 2.800 nhân dân tệ cho căn hộ thứ hai trong cùng khu phức hợp, vốn dành cho một người họ hàng.
Một nguồn tin cho biết tình hình này đã làm dấy lên cảm giác rằng dù có bỏ ra bao nhiêu tiền thì người mua cũng sẽ không bao giờ nhận được nhà. Cá nhân này lưu ý rằng trong một cuộc trò chuyện nhóm trên mạng xã hội với khoảng 500 người mua, khoảng 90% đã từ chối đề xuất của nhà phát triển.
Zhuoda Yidu không đưa ra bình luận, mặc dù CNBC đã nhiều lần cố gắng gọi điện và gửi email cho công ty và các đại diện của công ty.
Đối với nhiều hộ gia đình, bất động sản chiếm phần lớn tài sản của họ, thường là kết quả của việc ông bà và họ hàng cùng nhau góp tiền tiết kiệm |
Trong số các thành phố có thu nhập cao của Trung Quốc, Thiên Tân là một trong những thành phố có mức nợ cao nhất so với GDP, theo S&P Global Ratings.
Đối với nhiều hộ gia đình, bất động sản chiếm phần lớn tài sản của họ, thường là kết quả của việc ông bà và họ hàng cùng nhau góp tiền tiết kiệm. Một người mua nhà đã chi 190.000 nhân dân tệ (khoảng 668 triệu đồng) vào việc mua căn hộ hai phòng ngủ rộng 90m2 trị giá 700.000 nhân dân tệ trong khu chung cư chưa hoàn thiện ở Thiên Tân. Đó là số tiền mà họ đã phải dành dụm vài năm.
Tuy nhiên, theo CNBC, phía lãnh đạo Trung Quốc cho biết tại cuộc họp vào cuối tháng 4 rằng họ sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo việc giao nhà và bảo vệ lợi ích của người mua nhà.
>> Siêu cường lung lay: Gần '100 triệu người' có thể sắp ‘quật ngã’ nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Á