Vietstock - Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Phim dài tập, hồi kết vẫn mịt mờ
Làm sao thu thuế của ông chủ, bà chủ những cửa hàng trên mạng xã hội không phải là câu hỏi mới đặt ra ngày hôm qua. Từ khoảng 4 năm trước, một lãnh đạo ngành thuế đã tiết lộ rằng, có những người kinh doanh trên mạng xã hội lãi hàng chục tỷ đồng. Tất nhiên, ở thời điểm đó, quản sao những với những “đại gia” online này là câu hỏi chẳng thể bắt tay vào giải, bởi như một đại diện cấp vụ của ngành thuế từng thừa nhận, một trong những lý do là kinh nghiệm ngành thuế còn yếu.
Trong những năm sau đó, thỉnh thoảng, người ta lại nghe thấy lời cảm thán quen thuộc từ phía cơ quan chức năng rằng: khó hoặc khác đi một chút là… rất khó.
Vài năm sau, tới tháng Sáu vừa rồi, khi Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lần đầu gọi tên những người kinh doanh trên Facebook lên làm việc, nhiều người mới để ý, hóa ra có hàng vạn người đang “rung đùi” thu tiền mà chưa chắc đã phải nộp một đồng thuế nào. Con số này dĩ nhiên mới là thống kê từ phía ngành thuế ở hai thành phố, điều này đồng nghĩa, nếu tính trên cả nước, số lượng có thể gấp nhiều lần.
Câu hỏi đặt ra là: Sau chừng ấy thời gian, cơ quan chức năng làm được điều gì khác so với thời còn non kinh nghiệm? Bởi nếu không, mọi thứ cũng chỉ như “ném đá ao bèo.”
Ai cũng biết, quản thế nào với người kinh doanh online là bài toán khó. Thế nhưng, bài toán này khác với những con số trong phương trình toán học. Bởi, nó không cho phép người giải trả lời bằng một đáp án vô nghiệm.
Bài 1: Quản lý kinh doanh trên mạng xã hội: Đã tới hồi cao trào?
Cuộc ra quân rầm rộ của cơ quan chức năng đã gây sóng gió không nhỏ cho giới kinh doanh online. Thế nhưng, sau phút bỡ ngỡ ban đầu, nhiều chủ hàng đang tìm cách thích nghi, bằng cách này hay cách khác.
Ngành thuế “xắn tay”
Đầu tháng Sáu, giới kinh doanh online ở Thành phố Hồ Chí Minh xôn xao bởi nhiều thành viên bất ngờ nhận được giấy mời tới cơ quan thuế làm việc về việc kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội.
Anh Đức, một chủ hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyên bán quần áo nam thừa nhận, chính anh đã nhận được thông tin này. Anh đem chuyện này hỏi thăm nhiều người trong giới thì mới biết, không ít người cũng nhận được thông tin tương tự. Tuy nhiên, không phải 100% shop online được mời lên làm việc với ngành thuế. Theo anh, phần lớn trong số này có lượt “thích” và “theo dõi” lớn và số lượng giao dịch sôi động.
“Từ những tháng trước, mình đã nghe thông tin Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đang bàn với các cơ quan chức năng khác để thu thuế kinh doanh online nhưng không ngờ giấy mời tới nhanh như thế,” anh Đức nói.
Mặc dù bất ngờ nhưng chủ cửa hàng này cho rằng, bản thân chưa có ý định lên gặp cơ quan chức năng vì cửa hàng của anh đang có ý định chuyển hướng kinh doanh. Bởi vậy, trong quãng thời gian chuyển tiếp này, anh không muốn có bất cứ rắc rối nào.
Tiến hành sau Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thuế thành phố Hà Nội chọn giải pháp “trực tuyến hơn.” Đó là gửi tin nhắn SMS cho hơn 13.000 chủ tài khoản Facebook có kinh doanh và đề nghị các chủ hàng kê khai online.
Cơ quan chức năng ráo riết là vậy nhưng ở phía những ông chủ các shop online, không phải ai cũng răm rắp làm theo những hướng dẫn.
Run, nằm im và… mặc kệ
Trên Facebook, một số chủ shop bày tỏ sự lo lắng với thông tin từ báo chí, rằng ngành thuế đang ráo riết tìm cách thu thuế với họ. Một chủ shop online chuyên bán đồ hải sản có nickname N.T.T.H chia sẻ dòng trạng thái “khuyến nghị” những người kinh doanh trên Fanpage bỏ hết các thông tin liên lạc như số điện thoại, email, tài khoản… để tránh sự “truy lùng” của ngành thuế.
Khi được hỏi vậy thì làm thế nào để khách hàng liên lạc, nickname này bày “kinh nghiệm” có thể để số điện thoại trong bài viết chứ không để ở trong mục thông tin của Facebook.
Trong khi đó, một chủ shop kinh doanh đồ chơi trẻ em có nickname là Đ.N cho biết, chị chưa nhận được thông báo qua tin nhắn từ cơ quan thuế. Tuy nhiên, vị chủ shop này tỏ ra hoang mang bởi là người có cửa hàng tại Hà Nội, chị đã đóng thuế theo quy định và không biết việc bán hàng trên Facebook, các diễn đàn… có bị áp thêm thuế hay không?
“Tôi mong ngành thuế có cách tính đúng đắn để các đơn vị có cả cửa hàng ‘mặt đất’ và cửa hàng ‘ảo’ như chúng tôi có thể yên tâm làm ăn, tránh phí chồng phí, gây khó khăn cho cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ,” chị nói.
Cùng tâm trạng như vậy, song một chủ cửa hàng online khác cũng cho hay, anh mới kinh doanh tranh sơn mài trên mạng được hơn hai tháng. Mặt hàng kinh doanh trên mạng được lấy từ các cơ sở nhỏ lẻ của làng nghề Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) nên không có hóa đơn VAT. Bởi vậy, anh rất lo lắng bởi không biết sẽ bị áp thuế như thế nào.
“Tuy chưa nhận được tin nhắn của ngành thuế, song tôi cũng đang thấp thỏm chờ đợi. Việc đóng thuế cho nhà nước là đúng, nhưng là cơ sở mới kinh doanh, hàng hóa chưa bán được là bao nên nếu trong trường hợp bị áp thuế lớn, chúng tôi sẽ không biết phải làm sao,” anh nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài việc lo lắng và chờ đợi, nhiều chủ shop online cũng cho rằng việc kinh doanh nhỏ trên Facebook chỉ là tạm thời. Do đó, trong trường hợp ngành thuế phối hợp cùng các cơ quan chức năng truy thu gắt gao, họ sẽ đóng cửa hàng trên mạng và chuyển nghề, hoặc sẽ lách bằng cách lập nick, Fanpage khác. Bởi lẽ, việc “chuyển cửa hàng” trên không gian mạng cực kỳ đơn giản và không quá tốn chi phí như cửa hàng thực tế…/.