Vietstock - Tân binh UPCoM tăng kịch trần 40%, "cháy hàng" ngay ngày đầu giao dịch
Tại phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM ngày 26/09, cổ phiếu CTCP Vạn Đạt Group (UPCoM: VDG) đã tăng kịch biên độ 40% lên 15,400 đồng/cp. Tổng khớp lệnh trong phiên là 4.6 ngàn cp nhưng dư mua giá trần tới 105.7 ngàn cp.
5 triệu CP VDG của Vạn Đạt Group chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM
|
Sáng 26/09, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã diễn ra Lễ khai trương giao dịch cổ phiếu CTCP Vạn Đạt Group. Theo đó, 5 triệu cp VDG đã chính thức lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 11,000 đồng/cp.
Đóng cửa phiên 26/09, cổ phiếu VDG tăng kịch biên độ 40% lên 15,400 đồng/cp và ghi nhận lượng dư mua giá trần gần 106 ngàn cp, đưa vốn hoá từ mức định giá 55 tỷ đồng lên 77 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trước đó, tháng 05/2024, Công ty chính thức trở thành công ty đại chúng, toàn bộ cổ phiếu phổ thông của VDG được đăng ký lưu ký tập trung tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD).
Vạn Đạt Group (VDG) tiền thân là CTCP Tập đoàn Kiến trúc Vạn Đạt, được thành lập cuối tháng 08/2019 với ba cổ đông sáng lập góp vốn 1 tỷ đồng gồm ông Trần Văn Anh (giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty hiện nay); ông Chiêng Quốc Kim và ông Lê Viết Minh Pháp.
Năm 2021, các cổ đông Công ty đã bổ sung vốn góp lên 50 tỷ đồng và được giữ nguyên đến nay. Theo danh sách cổ đông lớn của VDG tại ngày 27/05/2024 có Chủ tịch Trần Văn Anh sở hữu 61% vốn và ông Lai A Chánh sở hữu 27.3% vốn.
Khởi đầu với kinh doanh bất động sản và thương mại đa ngành, đến năm 2021, Công ty quyết định tiếp tục đăng ký thêm nhiều ngành nghề và đổi tên thành CTCP Vạn Đạt Group.
Nhằm mở rộng và đầu tư lĩnh vực sản xuất vải, năm 2022, VDG đã mua lại 16% vốn góp Công ty TNHH Sản xuất Nguyên liệu Dệt may Vạn Đạt - doanh nghiệp chuyên sản xuất túi vải, được thành lập năm 2020 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vạn Đạt Group, Công ty đang chú trọng phát triển mảng bất động sản với các dự án biệt thự liền kề ở Bình Dương. Mới đây, VDG cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại đây.
Ngoài ra, Công ty có kế hoạch mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất thực phẩm chức năng để hướng đến thị trường xuất khẩu. Cùng với đó là kế hoạch phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược để mở rộng mảng kinh doanh này, hướng đến mục tiêu niêm yết trên sàn HOSE.
Chủ tịch Vạn Đạt Group Trần Văn Anh phát biểu tại lễ khai trương giao dịch cổ phiếu VDG trên UPCoM
|
Vạn Đạt Group đang kinh doanh ra sao?
Điểm qua tình hình kinh doanh, trong hai năm gần nhất (2022-2023), VDG ghi nhận doanh thu thuần tăng từ mức gần 164 tỷ đồng lên 213 tỷ đồng (tăng hơn 30%), nhưng lãi ròng lại giảm về 2.6 tỷ đồng, tức mức 3.2 tỷ đồng (giảm 19%).
6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần Công ty đạt hơn 110 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 48% kế hoạch năm. Do tốc độ tăng của giá vốn hàng bán nhập vào nhanh hơn giá bán ra khiến lãi ròng "tý hon" chỉ hơn 1 tỷ đồng, giảm 17% và thực hiện 37% mục tiêu năm.
Trên bảng cân đối, tại ngày 30/06/2024, tổng tài sản của VDG giảm gần 20% so với đầu năm về dưới 71 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn là phải thu khách hàng gần 23 tỷ đồng và hàng tồn kho (toàn bộ là sản phẩm sợi chỉ may) 21.5 tỷ đồng. Công ty đang có gần 5 tỷ đồng tiền mặt và hơn 1 tỷ đồng gửi ngân hàng. Đối ứng, nợ phải trả là gần 14 tỷ đồng, trong đó Công ty không sử dụng nợ vay tài chính.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 19/09/2024, VDG dự kiến phát hành 500 ngàn cp trả cổ tức năm 2023 theo tỷ lệ 10% (sở hữu 100 cp được nhận thêm 10 cp). Nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán năm 2023 của Công ty. Lượng cổ phiếu này sẽ được tự do chuyển nhượng và thời gian phát hành dự kiến trong quý 4/2024.
Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, VDG cũng lên kế hoạch phát hành 275 ngàn cp ESOP cho cán bộ công nhân viên, tỷ lệ 5% với giá không thấp hơn 10,000 đồng/cp. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Thời gian thực hiện trong năm 2024.
Nếu hoàn tất 100% hai phương án trên, vốn điều lệ VDG sẽ tăng từ 50 tỷ đồng lên 57.75 tỷ đồng.
Thế Mạnh