Vietstock - Sáu năm hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh: Giao dịch hợp đồng VN30 tăng bình quân 27.46%/năm
Nhìn lại 6 năm hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết tăng trưởng bình quân giao dịch HĐTL chỉ số VN30 đạt 27.46%/năm và tính đến cuối tháng 7/2023, có hơn 1.3 triệu tài khoản chứng khoán phái sinh, gấp 546 lần thời điểm mới khai trương.
Giao dịch hợp đồng VN30 tăng trưởng bình quân 27.46%/năm. Ảnh minh họa
|
TTCK phái sinh được khai trương và vận hành tại HNX ngày 10/08/2017, với sản phẩm đầu tiên được đưa vào giao dịch là hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30.
Đến năm 2019, HNX đã cho ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm. Năm 2021, hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm tiếp tục được đưa vào giao dịch, phù hợp định hướng và lộ trình phát triển TTCK phái sinh.
Sau 6 năm hoạt động, quy mô thị trường và thanh khoản của sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng bình quân 38.65%/năm giai đoạn 2018-2022, năm 2020 có tốc độ tăng trưởng cao nhất 79.9% so với năm trước đó và năm 2022 tăng 43.8% so với năm trước đó.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, khối lượng giao dịch bình quân đạt 225,178 hợp đồng/phiên, giảm 17.41% so với năm 2022, tuy nhiên đây vẫn là mức giao dịch bình quân năm cao thứ nhì chỉ sau mức cao nhất trong năm 2022.
Tính chung trong 6 năm, tăng trưởng bình quân giao dịch HĐTL chỉ số VN30 đạt 27.46%/năm. Khối lượng hợp đồng mở (OI) của HĐTL VN30 từ 8,077 hợp đồng tại cuối năm 2017 tăng lên 62,077 hợp đồng vào cuối tháng 7/2023. Khối lượng giao dịch cao nhất đạt 647,457 hợp đồng tại phiên 25/10/2022 và OI cao nhất là 71,190 hợp đồng được ghi nhận vào ngày 30/03/2023.
Cuối tháng 7/2023, có hơn 1.3 triệu tài khoản chứng khoán phái sinh, gấp 546 lần thời điểm khai trương
Theo HNX, thị trường phái sinh ngày càng thu hút nhà đầu tư, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh liên tục tăng lên. Tính đến ngày 31/07/2023, TTCK phái sinh hơn 1.3 triệu tài khoản, gấp 546 lần thời điểm mới khai trương.
Bên cạnh đó, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK phái sinh tăng lên hàng năm, năm sau thường tăng gấp 2-3 lần năm trước. Tháng 7/2023, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 3.47% tổng KLGD toàn thị trường so với mức 0.1% cuối năm 2017.
Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, tuy nhiên cơ cấu nhà đầu tư đã có sự dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, tăng tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức.
Trong giai đoạn đầu, gần 99% giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân, tỷ trọng này đã giảm xuống còn khoảng 86% những tháng cuối năm 2019 và 67% vào cuối tháng 7/2023. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng tăng mạnh. Tại thời điểm mới ra mắt thị trường, các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đều do nhà đầu tư cá nhân thực hiện, đến năm 2022, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đạt gần 2.1 triệu hợp đồng, gấp khoảng 5 lần khối lượng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.
Hệ thống các thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh từ 7 CTCK thành viên khi mới khai trương thị trường, đến nay đã có 24 CTCK thành viên. Các CTCK thành viên này đều có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 900 tỷ đồng trở lên.
Cuối cùng, HNX cho biết TTCK phái sinh ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, đáp ứng một trong các điều kiện bắt buộc để TTCK Việt Nam được xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.
“Nhằm phát huy hơn nữa vai trò phòng vệ rủi ro cũng như kênh đầu tư hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư, TTCK phái sinh cần có thêm các sản phẩm phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số mới (VN100) - hiện đang được gấp rút triển khai và sẽ sớm đưa vào giao dịch trên thị trường. Trong tương lai, các sản phẩm hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ và hợp đồng quyền chọn tiếp tục là các lựa chọn thích hợp để nghiên cứu và có kế hoạch bổ sung sản phẩm cho thị trường”, HNX kết luận.
Kha Nguyễn