Vietstock - Nỗi niềm chứng khoán Việt thời Trump
Dù Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế hưởng lợi chính khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, giới tham gia thị trường cổ phiếu lúc này chưa vội ôm lấy bức tranh màu hồng.
Đội chiếc mũ đỏ in khẩu hiệu “Make America Great Again” quen thuộc của nhóm cử tri ủng hộ Donald Trump, nhà sáng lập Dragon Capital - ông Dominic Scriven xuất hiện trên sân khấu diễn đàn M&A Việt Nam năm 2024, nơi quy tụ hàng trăm lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp cấp cao.
Ông Domonic Scriven trong vai trò diễn giả, tại phiên thảo luận Diễn đàn M&A Việt Nam, chiều ngày 27/11 vừa qua
|
Đấy không phải cử chỉ nhằm đưa ra một tuyên ngôn chính trị. Mối quan tâm lớn nhất của ông Scriven và người tham gia sự kiện hôm đó vẫn là kinh doanh, đầu tư và cách thức lèo lái các thương vụ M&A trong năm tới.
Tuy nhiên, món phụ kiện bất ngờ của nhà đầu tư kỳ cựu đã nhấn mạnh mối bận tâm lớn của giới tinh hoa kinh doanh đối với nhiệm kỳ Trump thứ hai, ngay cả khi tháng 1 năm sau tân Tổng thống Mỹ mới nhậm chức.
Hiện nay, Việt Nam đang được nhiều chuyên gia dự báo là một trong các quốc gia hưởng lợi chính về kinh tế nếu tâm lý chống Trung Quốc tăng lên trong chính phủ Mỹ.
Nhưng đối với thị trường chứng khoán, các dự báo dựa trên kinh nghiệm quá khứ cho thấy 4 năm tiếp theo tiềm ẩn nhiều rung lắc. Thị trường rồi sẽ sớm có cơ hội giật mình trước những động thái khó lường mang tính đặc sản của ông Trump, chẳng hạn như các bình luận gay cấn trên mạng xã hội Truth Social.
Định giá cẩn trọng
Môi trường bất định gia tăng như vậy có thể tạo bầu không khí lo lắng trong giới tham gia thị trường chứng khoán, từ đó ảnh hưởng đến cách họ đánh giá các cơ hội đầu tư, mà dễ thấy nhất là cẩn trọng trong việc trả giá cho cổ phiếu.
Thậm chí, các mức định giá cao có nguy cơ bị trừng phạt nếu tâm lý thị trường đột ngột chuyển sang lo lắng. Như vào tháng 3/2018, việc ông Trump phát động chiến tranh thương mại đã góp một tay đánh sập thị giá cổ phiếu Việt, giữa bối cảnh VN-Index lúc bấy giờ có mức P/E lên cao vượt ngưỡng 21x.
Mặc dù chính mức định giá cao là yếu tố khiến cổ phiếu trở nên dễ tổn thương, nhưng cú áp phê thương chiến là mồi lửa quan trọng thổi bùng quá trình tái nhận thức của thị trường lúc bấy giờ.
Đặc sản của Donald Trump
Mạng xã hội Truth Social đang trở thành nơi người ta dõi theo vị Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Bài đăng của ông Trump trên Truth Social, ngày 25/11, tuyên bố sẽ áp thuế 25% lên mọi hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.
|
Dư địa điều hành tiền tệ hạn chế?
Đến nay, chẳng ai biết rõ ông Trump sẽ thực hiện bao nhiêu phần trăm các tuyên bố của mình. Phần nào đó trong các bình luận của ông sẽ đi vào chính sách thực tế, trong khi phần còn lại có thể là chiến thuật nhằm kéo các bên liên quan vào bàn đàm phán.
Còn thực tế trên thị trường tài chính gần đây, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và chỉ số DXY (thể hiện sức mạnh đồng USD) đã tăng vọt trở lại cùng với chiến thắng bầu cử của ông Trump. Các chỉ số chứng khoán như S&P 500 và NASDAQ, hay cả Bitcoin cũng bùng nổ dựa vào kỳ vọng về khuynh hướng chính sách kinh tế và tiền số dưới thời vị Tổng thống.
Trong trường hợp nền kinh tế Mỹ vẫn tốt và lạm phát khó hạ nhiệt (như thể hiện qua dịch chuyển của thị trường tài chính), Fed được dự báo sẽ trì hoãn quá trình hạ lãi suất so với kỳ vọng trước đây.
Điều này có khả năng gây áp lực tăng lên tỷ giá USD/VND, từ đó buộc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các công cụ ổn định thị trường như phát hành tín phiếu hay bán dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá.
Như vậy, dư địa điều hành tiền tệ của Việt Nam có sự hạn chế nhất định trong tình huống nêu trên. Và phỏng theo quan sát những diễn biến trong suốt năm qua cho thấy, người tham gia thị trường chứng khoán thấp thỏm trông theo các động thái của Ngân hàng Nhà nước. Các biến động tỷ giá theo đó đã kích thích đáng kể tâm lý bất an và tạo nên các đợt sóng cổ phiếu.
Các thị trường tài chính sẽ biến động hơn trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump?
|
Từ kinh tế đến cổ phiếu
Trong khi tính không chắc chắn về hướng đi của chính sách tiền tệ vẫn là yếu tố cần theo dõi, thì những kỳ vọng về làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh chính sách của ông Trump, cũng trực tiếp mở ra cơ hội cho một số ngành kinh doanh tại Việt Nam như bất động sản công nghiệp hay cảng biển.
Mặc dù vậy, các công ty thuộc lĩnh vực nêu trên chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường chứng khoán. Bởi, thị trường Việt Nam đến nay vẫn là tập hợp của các doanh nghiệp kiếm lợi nhuận chủ yếu từ túi tiền của khách hàng trong nước, như ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng hay bán lẻ.
Điều đó đồng nghĩa lợi ích kinh tế từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng không đi trực tiếp vào lợi nhuận của các công ty niêm yết, xét trên tổng thể cấu trúc thị trường.
Dòng vốn FDI, kim ngạch xuất khẩu và thu nhập người dân tăng lên được dự báo sẽ thúc đẩy sự mở rộng của tầng lớp tiêu dùng trung lưu. Từ đó, chi tiêu của nhóm thu nhập này sẽ cải thiện tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng quá trình này cũng sẽ cần nhiều thời gian để diễn ra.
Tỷ trọng vốn hóa của bộ chỉ số ngành VNAllshare Sector
Đvt: %
Dữ liệu tính đến 30/10/2024. Nguồn: HOSE
|
Thừa Vân