Từ mức cận 1.500 điểm, sau 1 năm, VN-Index giảm tới 490 điểm và rơi về sát mốc 1.000. Thị trường chứng khoán Việt Nam "khai hỏa" năm 2022 bằng thông tin Quốc hội phê duyệt chương trình khôi phục kinh tế xã hội trị giá gần 350.000 tỷ đồng và kết thúc năm bằng thông tin Trung Quốc bắt đầu mở cửa - Fed giảm tốc độ tăng lãi suất - bắt Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt (Mã TVB) liên quan đến vụ thao túng giá cổ phiếu nhóm Louis.
Trước và sau những sự kiện này còn là loạt sự kiện nổi bật trong đó không thể bỏ qua xung đột Nga - Ukraine - khiến cả thế giới chao đảo với bài toán nguồn cung và đình đốn thương mại qua đó gián tiếp gây tình trạng lạm phát trên toàn cầu.
Từ đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu các động thái tăng lãi suất.
Một thông tin khác là việc ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC (HM:FLC) mua chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC ngay trước thêm năm 2022 Âm lịch và vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc trúng giá lô đất tỷ USD tại Thủ Thiêm khiến hàng trăm cổ phiếu lao dốc mạnh ngay trước thềm năm mới.
Kế đó, vụ việc ông Quyết và cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng bị khởi tố hồi cuối tháng 3/2022, ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Louis Holdings và Đỗ Đức Nam - cựu CEO Chứng khoán Trí Việt (TVB) bị khởi tố tiếp tục châm ngòi cho đà lao dốc của nhóm cổ phiếu có liên quan nói riêng là nhóm cổ phiếu ngành nói chung.
Hơn hết, sau các vụ việc này, các biện pháp iểm soát tín dụng, siết trái phiếu bắt đầu diễn ra mạnh mẽ khiến tình hình kinh doanh của cả trăm doanh nghiệp trở nên khó khăn. Nghị định 65 được ban hành khiến không ít doanh nghiệp lâm vào "thế bí" trước bài toán cơ cấu tài chính.
Đó cũng là thời điểm VN-Index hạ sơn từ mốc 1.53x về đáy.
Những sự kiện đáng chú ý diễn ra trong năm 2022 (Nguồn VNDirect) |
Ghi nhận, VN-Index đã giảm trong tháng 12/2022 và kết năm tại mức 1.007,1 điểm - giảm 3,9% trong tháng và giảm tới 32,8% trong cả năm.
Trong báo cáo cập nhật vừa công bố, Chứng khoán VNDirec cho rằng, sự sụt giảm của thị trường có thể xuất phát từ việc chốt lời của nhà đầu tư trong bối cảnh chỉ số đã tăng gần 20% từ đáy 873 điểm hồi giữa tháng 11; xu hướng rút khỏi thị trường trong tuần cận Tết Dương lịch; ảnh hưởng từ các tin tức vĩ mô về dữ liệu xuất khẩu và PMI kém tích cực .
Tương tự, chỉ số HNX-Index giảm 1,7% trong tháng 12/2022 trong khi UPCoM-Index tăng 1,1% so với cuối tháng 11.
Tính chung cho cả năm 2022, chỉ số đại diện sàn HNX giảm tới 56,7% và UPCoM-Index cũng mất 36,4% điểm số.
Như vậy, xét trong tháng 12, thị trường chứng khoán Việt Nam với đại diện là chỉ số VN-Index diễn biến kém tích cực hơn hầu hết các thị trường trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Thái Lan (SET Index, +2,0%), Malaysia (FPMKLCI, +0,4%), Singapore (STI Index, -1,2%), Indonesia (JCI Index, -3,3%).
Nếu tính cho cả năm; chỉ số chính của thị trường cũng nằm trong nhóm thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất năm 2022.
Nguồn VNDirect |
Thanh khoản bật tăng trong nửa đầu tháng 12/2022 trong bối cảnh chỉ số VN-Index hồi phục mạnh từ vùng đáy.
Bên cạnh đó, số tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 12/2022 tăng trở lại đạt gần 99.200 tài sau khi giảm về mức đáy 88.334 tài khoản trong tháng 11 - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Tính chung, có 2,6 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới trong cả năm 2022 - tăng 60% so với cuối năm 2021 và gần xấp xỉ tổng số tài khoản mở mới trong giai đoạn 2016 – 2021 cộng lại (đạt 2,8 triệu tài khoản).
Về diễn biến dòng tiền, trong tháng 12/2022, thanh khoản vào nhóm ngành xây dựng ghi nhận mức tăng 36% so với tháng 11. tương tự, nhóm vật liệu xây dựng cũng tăng tới 59% - mạnh nhất toàn thị trường sau khi Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Nguồn VNDirect |
Đáng nói, ngành bán lẻ chứng kiến mức tăng trưởng thanh khoản âm tháng thứ 3 liên tiếp do lo ngại về nhu cầu tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và môi trường lãi suất cao.
Ngoài ra, do giá hàng hóa giảm từ giữa năm 2022 nên kỳ vọng của nhà đầu tư vào ngành hóa chất giảm đi.
Khối ngoại mua ròng gần 29.000 tỷ
Về diễn biến khối ngoại, trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chậm lại đà tăng lãi suất và định giá thị trường Việt Nam đã hấp dẫn hơn, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 12/2022. Dòng tiền quay trở lại mạnh mẽ nhờ sự đóng góp lớn của hai quỹ ETF lớn là Fubon FTSE VN30 và VanEck Vietnam (với lực mua tổng cộng .2700 tỷ đồng).
Trong tháng 12, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên tổng giá trị giao dịch hàng ngày đã tăng từ 9,9% lên 16,2% và dòng tiền này đã mua tới 13.346 tỷ đồng trong tháng cuối năm 2022 Dương lịch.
Nguồn VNDirect |
Xét cho cả năm 2022, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại đạt 28.950 tỷ đồng (so với lượng bán ròng 62.608 tỷ đồng năm 2021).