Vietstock - Nhịp đập Thị trường 06/06: Bay cao!
Các chỉ số thị trường giằng co vào đầu phiên sáng và càng về cuối phiên thì càng bay cao. Điều này có sự đóng góp rất lớn của nhóm ngân hàng và thực phẩm đồ uống.
VN-Index kết phiên giao dịch tăng 7.82 điểm tương đương 1.05% lên mức 751.31 điểm. HNX-Index tăng 0.86% lên mức 95.74 điểm.
Độ rộng toàn thị trường khá mạnh với 271 mã tăng điểm và 192 mã giảm điểm. Như vậy, các thống kê cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế lớn.
Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 4,222 tỷ đồng. Dưới góc nhìn Market Cap thì nhóm Large Cap tăng mạnh nhất 1.14% cho thấy sự chuyển hướng của dòng tiền trong bối cảnh nhóm này đã điều chỉnh khá mạnh trong thời gian qua.
Các ngành ngân hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe vẫn giữ được đà tăng khá. Riêng ngành thực phẩm đồ uống dù không tăng nhiều nhưng lại có những mã ảnh hưởng nhiều nhất đến chỉ số chung như VNM, SAB.
Nhóm Ngân hàng đi lên khá mạnh trong phiên chiều. Nổi bật nhất là STB với mức tăng trần ấn tượng và khối lượng khớp “khủng”. Khối lượng giao dịch đạt hơn 13 triệu cp và gấp 3 lần mức trung bình 20 phiên gần nhất. Giá STB cũng đã phá vỡ vùng đỉnh cũ tháng 05/2016 và và thiết lập mặt bằng mới trong ngắn hạn.
Các mã khác như CTG, MBB, BID, VCB, ACB... cũng được giới đầu tư chú ý bởi các tín hiệu bứt phá quan trọng hoặc lực cầu mạnh từ khối ngoại.
Mã TCH đã test thành công vùng hỗ trợ mạnh 17,700-18,700. Mẫu hình nến Hammer xuất hiện và chỉ báo Stochastic Oscillator đã về vùng oversold nên khả năng tạo đáy đang tăng lên.
Trên sàn HNX thì sự chú ý đang tập trung vào KLF và DCS. Sau hơn 2 tuần tích lũy trong vùng 2,400-2,600 thì giá KLF đã bứt phá mạnh mẽ với khối lượng khớp khủng gần 12 triệu cp và dư mua trần khá lớn.
DCS thì rơi vào trường hợp ngược lại khi test đỉnh cũ tháng 02/2017 và điều chỉnh khá mạnh. Khối lượng giao dịch cũng có dấu hiệu đi xuống liên tục nên giá khó có thể bứt phá tiếp trong ngắn hạn.
Khối ngoại mua ròng 169.27 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 4.93 tỷ trên HNX.
14h: Nhóm ngân hàng bứt phá
Sự hồi phục của nhóm Ngân hàng đã giúp cho các chỉ số chung tiếp tục tăng trưởng. Điều này cũng góp phần tạo nên hiệu ứng lan tỏa cho toàn thị trường.
Các chỉ số thị trường tăng trưởng và lực cầu nhìn chung duy trì mức khá. Tính tới 14h, VN-Index ở mức 748.52 điểm tương ứng mức tăng 0.68%, HNX-Index tăng 0.51% lên mức 95.41 điểm.
Điểm nhấn ấn tượng nhất là nhóm ngân hàng. Giao dịch khá trầm lắng trong phiên sáng nhưng đã có sự tăng tốc mạnh mẽ vào đầu phiên chiều, các cổ phiếu thuộc nhóm này như CTG, BID, MBB, STB, ... đều tăng trưởng tốt. Các mã Ngân hàng trên HNX thì có ACB là nổi bật hơn cả.
Riêng STB thì giá đang test lại vùng đỉnh cũ tháng 05/2016. Nhiều khả năng giá sẽ phá vỡ được vùng này và thiết lập mặt bằng mới trong ngắn hạn.
Nhóm Bán lẻ vẫn giữ được “phong độ” từ phiên sáng và thậm chí còn tăng mạnh hơn. Các cổ phiếu nổi bật là FPT, MWG, TAG, HAX...
Trên HNX, ngoài nhóm Ngân hàng thì sự chú ý được dành nhiều cho KLF. Sau hơn 2 tuần tích lũy trong vùng 2,400-2,600 thì giá đã bứt phá mạnh mẽ với khối lượng khớp khủng gần 12 triệu cp và dư mua trần khá lớn.
Phiên sáng: Bluechips kéo VN-Index tăng hơn 3 điểm
Nhịp tăng tiếp tục được nối dài trong phần còn lại của phiên sáng và giúp VNIndex kết phiên sáng ở mức cao nhất. Bluechips là điểm nhấn nổi bật nhất với “đầu tàu” đến từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường.
Kết phiên sáng, VN-Index tăng 0.42% dừng ở mức 746.61 điểm so với tham chiếu; HNX-Index dừng tại mức 95.32 điểm tăng 0.42%.
Trình trạng phân hóa mạnh vẫn đang được duy trì trên toàn thị trường với 188 mã tăng/ 168 mã giảm. Điều đó cho thấy dòng tiền vẫn đang luân chuyển khá tốt trên thị trường, rủi ro điều chỉnh vì vậy vẫn là khá thấp trong hiện tại.
Nhóm Bluechips đang là đầu tàu giữ nhịp chính cho thị trường với sự dẫn dắt từ các mã trụ cột truyền thống như VCB, VNM, HPG, GAS, CTG cùng sự hồi phục trở lại của ROS. Ngay cả mã ảnh hưởng tiêu cực nhất trong nửa đầu phiên sáng là SAB cũng đã hồi trở lại tham chiếu.
Điểm trừ duy nhất đến hiện tại, có lẽ vẫn chính là dòng tiền vào thị trường khi giá trị khớp lệnh trên cả hai sàn đạt 2,269 tỷ đồng, tương ứng hơn 127 triệu cp được sang tay. Hy vọng rằng với sắc xanh tích cực của thị trường như hiện tại thì giao dịch thị trường sẽ trở nên sôi động hơn trong phiên chiều.
Khối ngoại mua ròng hơn 85 tỷ đồng trên HOSE và gần 2 tỷ đồng trên HNX. VNM, HPG, HSG, KDC, NVL là các mã được khối ngoại giao dịch sôi động nhất trong phiên sáng nay.
10h30: Bên bán vẫn chiếm ưu thế
Trong bối cảnh các ngành phân hóa mạnh thì nhóm bán lẻ và chăm sóc sức khỏe đã nổi lên là những ngành tích cực và đáng chú ý nhất.
Độ rộng thị trường nhìn chung khá yếu với 171 mã tăng giá và 183 mã giảm giá. Điều này cho thấy bên bán vẫn đang chiếm ưu thế một chút so với bên mua.
Nhóm bán lẻ đang có những cổ phiếu nổi bật như FPT, MWG, TAG... Tính theo giá điều chỉnh, FPT đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Sự tăng trưởng liên tục đi kèm với khối lượng dồi dào đã giúp duy trì đà tăng bền vững của cổ phiếu này. Mục tiêu mới trong ngắn hạn là vùng 45,000-46,500.
Nhóm thực phẩm đồ uống có điểm sáng là VNM. Dù xét toàn ngành thì gần như đứng yên nhưng VNM lại là mã tăng rất tốt và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến chỉ số thị trường. Điều này đến từ việc khối ngoại mua ròng đến 30% giá trị khớp lệnh và khả năng phá vỡ hoàn toàn đỉnh cũ tháng 08/2016 của giá. Nếu phá vỡ xảy ra, mục tiêu mới sẽ là vùng 175,000-180,000.
Mã TCH sau vài phiên điều chỉnh đã test lại vùng hỗ trợ mạnh 17,700-18,700. Đây là vùng có khối lượng tích lũy lớn nên dự kiến sẽ giúp hãm lại đà giảm của giá. Mặt khác, khối lượng vẫn duy trì mức cao cho thấy lực cầu bắt đáy khá mạnh trong ngắn hạn. Chỉ báo Stochastic Oscillator cũng đã về vùng oversold nên khả năng cho mua trở lại là khá lớn.
Trên sàn HNX, nhóm Dầu khí đang điều chỉnh với sự đi xuống của PLC, PGS, PVS... Nhóm Ngân hàng vẫn duy trì được đà tăng nhẹ với khối lượng ở mức trung bình.
Mở cửa: ETF đang ở trạng thái an toàn
Các ETF chính đang có những biến động trái chiều nhau nhưng đều giữ ở trạng thái premium nên nguy cơ khối ngoại bán ròng mạnh là không quá lớn.
Các ETF quan trọng như Van Eck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đang biến động trái ngược. Tuy nhiên, có một điểm chung là cả hai ETF này đều đã chuyển sang trạng thái premium. Điều này cho thấy khả năng khối ngoại bán ròng mạnh là không quá lớn.
Thị trường phân hóa khá mạnh. Trong khi nhóm chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và chứng khoán tăng giá thì ngành khai khoáng, vảo hiểm lại đang điều chỉnh.
Riêng ngành khai khoáng thì đà giảm đã kéo dài nhiều tuần và có ít hi vọng đảo ngược đà giảm. PVD có thể coi là mã đáng chú ý nhất trong nhóm này. Giá PVD liên tục duy trì trong vùng 15,000-17,000 trong nhiều tuần liền. Việc bắt đáy cần được dừng lại nếu giá thủng mức 15,000.
Nhóm bất động sản đã tích lũy khá lâu trong thời gian qua. Trong đó, VIC và NVL là đáng chú ý nhất khi đều được khối ngoại gom vào khá nhiều. Cả hai cổ phiếu này cũng đã test thành công vùng hỗ trợ dài hạn nên khả năng giảm mạnh trở lại không lớn.