Vietstock - Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Thêm nhiều dấu hỏi
Tuần cuối tháng 5 đến những ngày đầu tháng 6 ghi nhận nhiều vị lãnh đạo chủ chốt đã quyết định “xuống tiền” khá lớn như tại DXG, SBT, LSS, VIX, LienVietPostBank… dù thông tin hỗ trợ không nhiều.
Tại VIX đang có những giao dịch trái ngược nhau khi Ủy viên HĐQT Nguyễn Thị Tuyết mua vào 4 triệu cp để trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ 5.71% thì em trai Nguyễn Văn Tuấn lại thoái hết 3.6 triệu cp, tương ứng 5.11% vốn. Các giao dịch này đều được diễn ra trước ngày chốt quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2016 tỷ lệ 20:1 của VIX.
Điều đáng nói, cũng trong thời gian này, VIX cùng ông Nguyễn Văn Tuấn lại có động thái chuyển nhượng toàn bộ 4.45 triệu cp (77.73%) và 1 triệu cp (17.47%) CTCP Quản lý quỹ IB (IBFM) cho 4 cá nhân khác.
Trong khi cổ phiếu SBT đang được giao dịch rất nhộn nhịp với khối lượng hàng triệu cổ phiếu một phiên từ thông tin về chung nhà với BHS, Thành viên HĐQT Đặng Huỳnh Ức My cũng đã kịp gom vào 3 triệu cp quanh vùng giá 25,700 đến 31,500 đồng/cp. Theo đó, sau giao dịch, bà My tăng sở hữu từ 1.56% lên 2.74% vốn, tương ứng gần 7 triệu cp.
Hiện cổ phiếu SBT đã tăng 296% so hồi niêm yết, khối lượng giao dịch bình quân hơn 2 triệu cp/ngày trong quý vừa qua.
Sau khi CTCP Thương mại và Đầu tư Thăng Long Hà Nội bán ra 1 triệu cp LSS, giảm sở hữu từ hơn 12 triệu cp (15.9%) xuống 11,115,116 cp (15.9%) hồi tháng 4, thì tại đây xuất hiện một cổ đông lớn là bà Nguyễn Thị Phương khi mua vào đúng lượng cổ phiếu trên, tăng sở hữu từ 3.3 triệu cp (4.75%) lên 4.3 triệu cp (6.15%).
Và đến nay, Chủ tịch Lê Văn Tam bắt đầu tính chuyện gom vào cũng là con số 1 triệu cp LSS nhằm nâng sở hữu lên 2.83 triệu cp. Trái ngược với doanh nghiệp cùng ngành SBT, cổ phiếu LSS đã giảm 3.45% từ hồi niêm yết và hiện đang giao dịch tại mức 13,950 đồng/cp.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều vị lãnh đạo muốn mua vào lượng lớn cổ phiếu của công ty mình quản lý dù hiện chưa thấy thông tin nào hỗ trợ. Cụ thể, mặc dù vừa mới công bố nhưng trong khoảng tháng 5 Chủ tịch DXG Lương Trí Thìn đã mua thành công 5 triệu cp để tăng nắm giữ lên hơn 22 triệu cp, chiếm 8.86% vốn DXG. Hay tại HKB, Ủy viên HĐQT Trương Danh Hùng lần đầu tiên đăng ký mua vào 4 triệu cp và Ủy viên HĐQT Đỗ Thái Anh cũng muốn mua 2 triệu cp HKB.
Trong ngành ngân hàng, Tổng giám đốc LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn bất ngờ công bố đăng ký mua vào gần 5.2 triệu cp LienVietPostBank. Giao dịch này được tung ra trong thời điểm tại LienVietPostBank đang có sự biến đổi lớn về nhân sự chủ chốt khi ông Nguyễn Đức Hưởng về lại ngân hàng này và giữ chức Chủ tịch thay cho sự ra đi của ông Dương Công Minh. Thông tin này cũng khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng bởi trước đó ông Nguyễn Đức Hưởng đã có tên trong danh sách nhân sự của Sacombank sau khi rút khỏi LienVietPostBank.
Ảnh minh họa.
|
Ở chiều ngược lại, dù là trên sàn OTC nhưng SHF cũng đang gây sự chú ý cho nhà đầu tư khi những người sáng lập đang có động thái thoái vốn tại đây. Trong đó, hồi tháng 1/2017, SHB đã chuyển nhượng 324,000 cp, tương đương 5.4% vốn của SHF cho ông Nguyễn Trung Thành, giảm nắm giữ xuống phân nửa, còn 5%. Và đến nay, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cùng Tập đoàn T&T công bố đã chuyển nhượng hết 27% vốn SHF cho Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Nghị cùng Giám đốc Tài chính Nguyễn Diệu Trinh. Nghĩa là tại SHF đang có sự biến động rất lớn về dàn cổ đông lớn nhưng mọi thứ vẫn chưa được định hình rõ ràng.
AAA vẫn đang là tâm điểm của tuần qua khi giá cổ phiếu tăng 4.78% trong 1 tuần với khối lượng giao dịch bình quân khá lớn tới hơn 1.26 triệu đơn vị/ngày. Đây là thời điểm Chủ tịch Phạm Ánh Dương đã thoái hết 9.3 triệu cp AAA, tương ứng 16.26% vốn, thay vào đó, An Phát Holdings đã gom vào gần 7 triệu cp. Chưa dừng lại ở đó, tổ chức này vẫn đang muốn gom tiếp 7.4 triệu cp AAA nhằm tăng sở hữu lên gần 25% vốn. Trong khi đó, cùng thời gian này, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Phạm Hoàng Việt cũng đăng ký bán hơn 6 triệu cp, tương ứng 10.66% vốn AAA.
Đối với NVT, cổ phiếu này đã có những giao dịch rất đặc biệt từ đầu tháng 5 đến nay, đáng chú ý là từ 11/05 đến 05/06 cổ phiếu này chỉ có hai nhịp điệu là liên tục trần và liên tục sàn. Nhưng xu hướng trần chủ đạo nên NVT đã tăng gần 82% trong tháng qua và đang giao dịch quanh 4,000 đồng/cp, cũng có lúc lên 5,000 đồng, mức cao nhất từ năm 2016 đến nay của NVT. Lựa chọn đúng thời điểm, Chủ tịch Lê Xuân Hải đã muốn chốt lời khi đăng ký bán 3 triệu cp NVT trong thời gian này nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.
Cũng muốn chốt lời như lãnh đạo NVT, dù mới lên sàn hồi tháng 4 vừa qua nhưng cổ phiếu PLX đã tăng gần 25%, lên mức hơn 60,000 đồng/cp. Theo đó, đồng loạt cổ đông nội bộ và người có liên quan của PLX đăng ký bán cổ phiếu kiếm lời dù lượng cổ phiếu thoát ra không nhiều chỉ từ vài ngàn cổ phiếu.