Cập nhật
Vietstock - Góc nhìn 23/08: Chưa đủ tín hiệu để tạo sóng mới?
SSV nhận đinh lúc này thị trường chưa đủ tín hiệu để hình thành sóng mới và kỳ vọng thị trường sẽ tái tích lũy trong thời gian tới để giai đoạn sau có thể vượt đỉnh thuyết phục hơn.
Rung lắc
CTCK BETA: Hiện tại, áp lực chốt lời bắt đầu xuất hiện, hơn nữa ngày mai (23/08) là phiên giao dịch cuối tuần, có thể thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện những nhịp rung lắc/điều chỉnh.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể cân nhắc chốt lời đối với những cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận, nhất là những mã đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Việc này giúp bảo vệ thành quả đầu tư và giảm thiểu rủi ro từ việc thị trường có thể điều chỉnh bất ngờ.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên tránh mua đuổi cổ phiếu tại những vùng giá cao, bởi điều này có thể gia tăng rủi ro khi thị trường biến động. Thay vào đó, việc chờ đợi những nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với mức giá hợp lý hơn là chiến lược an toàn và hiệu quả hơn.
Đà hồi phục chững lại
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): Đà hồi phục ngắn hạn của thị trường đã cho thấy dấu hiệu chững lại tại vùng kháng cự 1,285-1,290 điểm. VN-Index có thể sẽ tích lũy thêm tại đây, tuy nhiên cũng không thể bỏ qua áp lực chốt lời. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng.
Kỳ vọng mở rộng lên vùng 1,320 điểm
CTCK Sài Gòn - Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Ngắn hạn, VN-Index đang duy trì trong vùng giá 1,280-1,300 điểm, vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1,280 điểm, hỗ trợ mạnh hơn 1,255-1,260 điểm.
SHS kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự rất mạnh quanh 1,300 điểm, có thể mở rộng lên vùng 1,320 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất tháng 06/2022.
Nhiều cơ hội chinh phục 1,300 điểm
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Dòng tiền chốt lời xuất hiện rõ nét hơn ở một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt giai đoạn vừa qua, tuy nhiên áp lực bán không gia tăng đột biến và vẫn xuất hiện lực cầu đỡ giá, cho thấy diễn biến tâm lý phần nào đang nghiêng về chiều hướng tích cực.
Mặc dù tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn có thể xuất hiện mạnh hơn, với xung lực tăng hiện tại VN-Index sẽ có nhiều cơ hội chinh phục ngưỡng kháng cự quanh 1,300 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị trải mua lại các vị thế trading gối đầu khi VN-Index hoặc các mã mục tiêu điều chỉnh về các vùng hỗ trợ gần.
Vận động tốt
CTCK Vietcombank (HM:VCB) (VCBS): Thị trường vẫn đang vận động tốt và có xu hướng ổn định, việc rung lắc điều chỉnh tích lũy trở lại là điều bình thường trong quá trình đi lên.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng đối với những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Gặp khó khi gần ngưỡng 1,290 điểm
CTCK Tiên Phong (TPS): VN-Index gặp khó khi chạm gần ngưỡng 1,290 điểm - vùng kháng cự của thị trường đã khó khăn để vượt qua trong tháng 06/2024. Việc điều chỉnh này là hoàn toàn bình thường sau 4 phiên tăng điểm với mức tăng lên đến gần 60 điểm.
TPS cho rằng nhịp điều chỉnh sẽ mở ra các vị thể mua mới cho nhà đầu tư trung và dài hạn. Nhà đầu tư có thể chờ đợi giải ngân ở vùng 1,260 điểm và mua mạnh nếu VN-Index điều chỉnh về ngưỡng 1,220-1,240 điểm.
Nhóm cổ phiếu trụ là chỉ báo
CTCK VPBank (HM:VPB) (VPBankS): Hiện tại, nhóm cổ phiếu trụ chính là chỉ báo của thị trường, chừng nào nhóm này vẫn tiếp tục nâng đỡ thị trường hoặc tích cực hơn là luân phiên thay nhau dẫn dắt thì thị trường có thể dao động trong vùng 1,280-1,300 điểm. Trong kịch bản thận trọng, chỉ số VN-Index có thể lùi lại kiểm nghiệm ngưỡng 1,250 điểm để có đà tăng vững chắc hơn.
Sớm quay lại đà tăng
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ sớm quay trở lại đà tăng trong phiên kế tiếp (23/08). Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc, dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu mặc dù thị trường đang tiệm cận gần các vùng kháng cự ngắn hạn.
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu lần lượt thay phiên nhau tăng, nếu nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng trưởng trong những phiên trước thì nhóm vốn hóa Midcaps và Smallcaps cũng có dấu hiệu thu hút dòng tiền trở lại.
Chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư đang lạc quan hơn với diễn biến thị trường và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng và mua mới.
Tái tích lũy
CTCK Shinhan Việt Nam (SSV): Hiện nay, thị trường chưa đủ tín hiệu để hình thành sóng mới. SSV kỳ vọng thị trường sẽ tái tích lũy trong thời gian tới để giai đoạn sau có thể vượt đỉnh thuyết phục hơn. Hỗ trợ và kháng cự tương ứng là 1,230 và 1,300 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị chờ đợi những nhịp điều chỉnh và bật tăng lại tại vùng hỗ trợ 1,240 - 1,250 điểm có thể mua mới. Áp lực bán tại vùng 1,280 điểm bắt đầu xuất hiện khi giá ngày càng lên cao, nên khuyến nghị nhà đầu tư không nên tham gia mua đuổi mà ưu tiên nắm giữ.
Rung lắc quanh đỉnh cũ là cần thiết
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường vận động biên độ hẹp sát mốc tham chiếu với những đợt rung lắc tại vùng đỉnh cũ. Độ rộng cân bằng, dòng tiền hấp thụ tốt áp lực bán, nhóm cổ phiếu tài chính thể hiện được vai trò giữ nhịp cho thị trường chung. Aseansc cho rằng, quá trình rung lắc quanh vùng đỉnh cũ là cần thiết để giũ bỏ dòng tiền nóng và củng cố nền tảng xu hướng dài hạn hơn.
Nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro tiềm tàng đến từ khả năng suy yếu của nền kinh tế Mỹ được củng cố bởi các số liệu việc làm không như kỳ vọng trong bối cảnh chỉ số DJI gặp khó tại đỉnh lịch sử có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư giữ vững thành quả, quan sát và cơ cấu danh mục, tìm kiếm cơ hội cho giai đoạn kế tiếp.
Tiếp tục cập nhật…
Thế Mạnh