Vietstock - Full Power: Năng lượng đã cạn!?
Full Power - Doanh nghiệp xây dựng 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đến nay được 18 năm nhưng đáng buồn là đã có gần 9 năm gần đây thua lỗ liên tiếp.
Từng chiếm lĩnh 95% thị phần xây dựng tại các KCN Đông Nam Bộ
CTCP Full Power là một công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập tại Việt Nam vào tháng 02/2000. Full Power cũng là doanh nghiệp FDI thứ ba tại Việt Nam được chấp thuận cho niêm yết trên HOSE vào năm 2006.
Lĩnh vực hoạt động của Công ty gồm 3 nhóm chính, đó là công trình điện nước: thiết kế, thi công hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước trong các công trình dân dụng và công nghiệp; công trình xây dựng: thiết kế, thi công các công trình xây dựng nhà xưởng, xí nghiệp, các công trình dân dụng và công nghiệp; thiết kế, xây dựng hệ thống đường nội bộ, trang trí cảnh quan, trang trí nội ngoại thất, sân vườn.
Đáng chú ý, tại thời điểm lên sàn năm 2006, tình hình kinh doanh của Full Power rất nổi bật khi chiếm lĩnh phần lớn thị phần thi công xây lắp tại các khu công nghiệp (KCN) miền Đông Nam Bộ (chiếm tới 95% tỷ trọng bình quân giữa các công trình thi công), lợi thế của Công ty trong đấu thầu ký kết hợp đồng là Công ty gia tăng lợi ích cho khách hàng bằng việc hỗ trợ khách hàng các thủ tục pháp lý.
Hai năm trước khi lên sàn, doanh thu và lợi nhuận của Công ty khá ổn định. Cụ thể, năm 2004 tổng doanh thu thuần đạt 473 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.75 tỷ đồng; năm 2005 doanh thu là 362.5 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 24.6 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các công trình xây dựng chiếm tới hơn 60% tổng doanh thu của Công ty. Tương ứng với tỷ trọng doanh thu thì lợi nhuận từ nhóm công trình xây dựng chiếm tới hơn 60%.
Tuy nhiên, cổ đông Full Power chỉ được hưởng thêm quả ngọt vào năm Công ty lên sàn và năm sau đó (2007 lãi hơn 66 tỷ đồng – mức lãi cao kỷ lục) bởi kể từ năm 2008 trở đi mới thực sự là chuỗi ngày đen tối.
Thua lỗ kéo dài kể từ năm 2008
Có thể thời điểm trước và sau 1 năm lên sàn là thời kỳ “năng lượng đầy” nhất của Full Power. Bằng chứng là năm 2007, Công ty báo lãi cao kỷ lục hơn 66 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006. Tuy nhiên, kể từ năm 2008 trở đi lại là thời kỳ đen tối dành cho cổ đông Full Power.
Trong năm 2008, do tài chính toàn cầu bị khủng hoảng, hầu hết các chủ đầu tư của các hợp đồng xây dựng đã ký kết đều tạm ngừng hoặc dãn tiến độ xây dựng khiến cho doanh thu giảm sút. Mặt khác, chi phí cố định lớn và gia tăng, do đó công ty đã tiến hành sáp nhập các bộ phận và lập ra kế hoạch tinh giản biên chế nhân viên. Kết quả là Full Power báo lỗ năm đầu tiên với hơn 77 tỷ đồng.
Năm 2009, tình hình còn xấu hơn, Công ty không có hợp đồng mới trong khi phải hạch toán xử lý toàn bộ các chi phí công trình còn dở dang vào giá vốn dù các công trình đó không còn phát sinh doanh thu. Năm 2010, Full Power bắt đầu chuyển hướng từ doanh nghiệp xây lắp sang kinh doanh bất động sản.
Song, khó khăn chồng chất khó khăn, đỉnh điểm nhất là vào năm 2012, Full Power báo lỗ kỷ lục 384 tỷ đồng. Lỗ lũy kế chính thức lên con số hơn 1,000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu lần đầu tiên bị âm 187 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân khiến Full Power thua lỗ nhưng chủ yếu là do phải chịu lãi vay lớn và buộc phải trích lập dự phòng hàng loạt từ phải thu khách hàng, dự phòng tổn thất công trình dở dang, dự phòng đầu tư góp vốn liên doanh vào nhiều dự án hay thậm chí dự phòng cho khoản lỗ công trình.
Năm 2012 cũng là năm mà Full Power giải thể 10 công ty con và thông qua kế hoạch chuyển nhượng hàng loạt tài sản như đất ở tại quận 9 (TPHCM) và nhà xưởng Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Từ đó đến nay, Full Power vẫn liên tục lỗ, dù không còn nặng như năm 2012 nhưng đều đặn vài chục tỷ đồng mỗi năm. Theo BCTC quý 3/2018 vừa công bố, Full Power lỗ hơn 3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm lên hơn 14 tỷ đồng, gần gấp đối số lỗ cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân dễ thấy nhất khiến Full Power thua lỗ chính là kinh doanh dưới giá vốn, trong 9 tháng đầu năm 2018 mức lỗ gộp gần 683 triệu đồng. Con số này chưa là gì nếu nhìn lại quá khứ, Full Power luôn chịu lỗ gộp lớn, thậm chí lỗ hơn 100 tỷ đồng như vào năm 2009 hay 2012.
Kết quả kinh doanh Full Power từ 2008 đến nay
Tại thời điểm 30/09/2018, Full Power có lỗ lũy kế 1,204 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 316 tỷ đồng. Hiện Công ty còn đang hợp tác để thực hiện 4 dự án đầu tư tại quận 9, quận 12 (TPHCM), Đà Nẵng và Long An. Song cả 4 dự án này đều không hiệu quả và Công ty đã tiến hành trích lập 100% dự phòng vốn đầu tư, giá trị hơn 326 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Full Power đang có nợ xấu (nợ quá hạn hoặc chưa nhưng không có khả năng thu hồi) hơn 259 tỷ đồng. Tài sản dở dang dài hạn của Công ty hiện xấp xỉ 111 tỷ đồng và cũng được trích lập 100% do các công trình đã ngưng thi công khi dự án không tiếp tục thực hiện.
Giờ đây, nhìn vào những con số trong báo cáo tài chính, thật không quá khi nói rằng Full Power – năng lượng đã cạn!
Ngày 25/07/2006, hơn 1.9 triệu cp Full Power chính thức giao dịch trên sàn HOSE với mã chứng khoán FPC. Ngày 23/02/2009, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) quyết định đưa cổ phiếu FPC vào diện kiểm soát do năm 2008 thua lỗ. Ngày 23/03/2010, HOSE nâng mức độ kiểm soát và hạn chế giao dịch với FPC, chỉ còn giao dịch 15 phút cuối phiên. Ngày 10/08/2011 là ngày giao dịch cuối cùng của FPC trên sàn HOSE do bị hủy niêm yết. |
Thiên Mục