Investing.com -- Theo đánh giá của một số hãng chứng khoán, FTSE Russell có thể ra quyết định chính thức về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9.2025, hoặc thậm chí ở kịch bản tích cực nhất là vào tháng 3.2025. SSI Research ước tính dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell cho biết kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán thường niên 2024 sẽ được công bố sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 8.10.2024.
Tại báo cáo xếp hạng thị trường hồi tháng 3.2024, FTSE Russell vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi để nâng hạng (được thêm vào từ hồi tháng 9.2018), nhấn mạnh thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market).
Tại thông báo cuối tháng 8.2024, FTSE Russell duy trì các đánh giá về tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)", quá trình đăng ký tài khoản mới, và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại) hoặc sắp cạn room nước ngoài.
Theo đó, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng thị trường. Còn lại hai vấn đề cần tháo gỡ là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Vào ngày 18.9.2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC với việc chính thức loại bỏ yêu cầu “pre-funding” đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài kể từ ngày 2.11.2024. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức công bố thông tin về thông tư này đến các tổ chức trong và ngoài nước.
Loạt động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell. Theo SSI (HM:SSI) Research, với việc Thông tư 68/2024/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2024, FTSE Russell có thể đánh giá tích cực về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ xếp hạng tháng 9.2024 và quyết định nâng hạng Việt Nam vào tháng 9.2025. Hoặc thậm chí ở kịch bản tích cực nhất là vào tháng 3.2025, theo Chứng khoán Maybank.
Việc phân loại thị trường được FTSE đánh giá liên tục. Trong thông báo mới nhất, tổ chức này cho biết, có 3 thị trường (Ai Cập, Pakistan, Việt Nam) được đưa vào danh sách theo dõi kể từ tháng 3.2024. Trong đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi hạng 2.
Đồng thời, với lộ trình công bố thông tin tiếng Anh được quy định chi tiết tại Thông tư 68/2024/TT-BTC, thì từ ngày 1.1.2028, tất cả các công ty đại chúng và niêm yết sẽ công bố thông tin định kỳ và bất thường bằng tiếng Anh. Điều này nhằm tăng cường tính minh bạch và khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời giải quyết các yêu cầu từ tổ chức xếp hạng thị trường MSCI.
Việc được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cơ hội tốt giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận được sự chú ý từ MSCI, trong bối cảnh danh sách các thị trường chứng khoán có cơ hội được nâng hạng lên mới nổi khá hạn chế, theo SSI Research.
Các chuyên gia phân tích cũng nhấn mạnh, việc chuyển từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp, hay nói cách khác đây là đạt được mục tiêu phát triển cơ sở nhà đầu tư.
Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, SSI Research ước tính dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động. FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF. Như vậy tổng dòng vốn đổ vào thị trường Việt Nam có thể lên đến 10,2 tỷ USD.