Vietstock - Cổ phiếu ngân hàng khiến VN-Index đỏ lửa tuần qua
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua tạo sức ép đáng kể nhất lên VN-Index. Trong 10 mã khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất, tới 7 mã ngân hàng và sót lại duy nhất “anh cả” VCB (HM:VCB) thuộc nhóm tác động tích cực nhất đến VN-Index.
Hai chỉ số thị trường trong tuần 01-05/04/2024 đã quay đầu giảm điểm sau ba tuần tăng điểm liên tiếp trước đó. Cụ thể, VN-Index giảm 2.26% so với cuối tuần giao dịch trước, xuống mức 1,255.11 điểm. HNX-Index giảm 1.9%, kết thúc tuần ở mức 239.68 điểm.
Trái ngược với đà giảm điểm, thanh khoản trên hai sàn tuần này đều tăng so với tuần giao dịch trước. Trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên tăng 3%, đạt hơn 1.03 tỷ cp/phiên. Đối với HNX, thanh khoản trung bình tăng mạnh 24%, lên hơn 116.5 triệu cp/phiên.
Tuần qua thị trường đón nhận thông tin đáng chú ý trong nước như Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI - ngành sản xuất Việt Nam giảm về dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 3/2024.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index từ ngày 01-05/04/2024 (tính theo điểm) |
||
Xét theo mức độ ảnh hưởng, nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua tạo sức ép đáng kể nhất lên VN-Index. Trong 10 mã khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất, tới 7 mã ngân hàng bao gồm CTG (HM:CTG), BID (HM:BID), MBB (HM:MBB), TCB (HM:TCB), ACB (HM:ACB), VIB (HM:VIB) và STB (HM:STB).
Số cổ phiếu kể trên lấy đi của chỉ số tổng cộng 13.7 điểm, trong đó bốn mã dần đầu toàn sàn là CTG kéo giảm hơn 3 điểm; BID và MBB cùng giảm hơn 2.6 điểm; TCB giảm hơn 2 điểm.
Cổ phiếu CTG biểu hiện tiêu cực trong bối cảnh VietinBank vừa đề xuất phương án phân phối gần 14,000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2023 để chia cổ tức, tuy nhiên sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Toàn nhóm ngân hàng ở các sàn, sót lại duy nhất “anh cả” VCB thuộc nhóm tác động tích cực nhất đến VN-Index nhưng đỡ chưa đến 0.1 điểm. Trong khi đó, trụ đỡ chính tuần qua là “ông lớn” hàng không HVN mang về gần 1.5 điểm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thị giá HVN đã tăng hơn 30% và đang dừng ở mức 16,000 đồng/cp, vùng giá cao nhất kể từ tháng 9/2022. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 35,400 tỷ đồng (~1.4 tỷ USD).
Cổ phiếu HVN bay cao trong bối cảnh Vietnam Airlines (HN:HVN) lỗ năm thứ 4 liên tiếp. Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023, hãng hàng không ghi nhận doanh thu 92,231 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2022 và lỗ 5,631 tỷ đồng, khả quan hơn so với số lỗ hơn chục ngàn tỷ đồng/năm giai đoạn 2020-2022. Tại cuối năm 2023, lỗ luỹ kế của HVN lên đến 41,000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 17,000 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVN hiện đang trong diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HOSE và có nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định vì vi phạm điều kiện kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp và vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán gần nhất.
Nhóm cổ phiếu kéo tăng chỉ số VN30-Index từ ngày 01-05/04/2024 (tính theo điểm) |
||
Nhóm cổ phiếu kéo giảm chỉ số VN30-Index từ ngày 01-05/04/2024 (tính theo điểm) |
||
Rổ VN30 chứng kiến sự áp đảo của sắc đỏ với 25 mã kéo giảm, dẫn đầu là 4 mã ngân hàng gồm MBB, TCB, ACB và STB với giá trị từ hơn 3-6 điểm. Còn lại 5 mã kéo tăng gồm VNM (HM:VNM), VIC (HM:VIC), VHM (HM:VHM), GAS (HM:GAS) và VCB với giá trị rất thấp cùng dưới 0.3 điểm.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số HN-Index từ ngày 01-05/04/2024 (tính theo điểm) |
||
Chỉ số HNX-Index quay lại đà giảm chủ yếu do hai mã MBS (HN:MBS) và VCS (HN:VCS) cùng làm mất 0.6 điểm của chỉ số. Trong khi đó, trụ đỡ chính là PVS (HN:PVS) mang về gần 1.2 điểm cho chỉ số, áp đảo 9 mã xếp sau.
Thế Mạnh