Tính chung, trên thế giới có gần 100 nước đang nợ IMF với tổng số tiền 111 tỷ USD. Được thành lập vào năm 1944, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có chức năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các nước thông qua cung cấp hỗ trợ tài chính và hướng dẫn về chính sách nhằm nâng cao sự ổn định, năng suất lao động và cơ hội việc làm.
Các quốc gia trên thế giới tìm kiếm các khoản vay từ IMF nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước, ổn định tiền tệ, thực hiện cải cách về cấu trúc cũng như giảm bớt những thách thức trong cán cân thanh toán.
Đồ thị thông tin dưới đây gồm 10 quốc gia đang nợ IMF nhiều nhất tính tới ngày 29/4/2024.
Top 10 quốc gia đang nợ IMF nhiều nhất. Ảnh: Visual Capitalist |
Là thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn, lịch sử nợ nần của Argentina bắt đầu từ cuối những năm 1890, khi nước này vỡ nợ sau khi vay tiền để hiện đại hóa thủ đô Buenos Aires. Quốc gia Nam Mỹ đã được IMF “giải cứu” hơn 20 lần trong sáu thập kỷ qua.
Hai quốc gia Nam Mỹ khác là Colombia và Ecuador cũng lọt vào top 10, cho thấy tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế khu vực.
Trong 10 nước nợ IMF nhiều nhất, 5 nước thuộc châu Phi và 3 nước thuộc Mỹ Latinh. Quốc gia châu Âu duy nhất trong danh sách này là Ukraine, nước đang chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ quốc tế trong cuộc xung đột với Nga. Ước tính, cuộc chiến tranh với Nga đến nay đã khiến nước này thiệt hại khoảng hơn 30% GDP. IMF đóng vai trò là nguồn hỗ trợ quan trọng cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, hiện Ukraine đang nợ IMF 9 tỷ USD.
Tính chung, trên thế giới có gần 100 nước đang nợ IMF với tổng số tiền 111 tỷ USD. Riêng top 10 chiếm khoảng 69% số nợ này.
Bảng xếp hạng đóng vai trò như một lời nhắc nhở rõ ràng về những thách thức kinh tế toàn cầu mà nhiều quốc gia phải đối mặt. Mặc dù IMF cung cấp những hỗ trợ tài chính quan trọng nhưng mục tiêu cuối cùng của các quốc gia này là thực hiện cải cách kinh tế bền vững và giảm sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài.
>> 20 quốc gia nợ Trung Quốc núi tiền khổng lồ nhưng chính Trung Quốc mới là người phải 'sợ hãi'