Giảm 40%
Mới! 💥 Dùng ProPicks để xem chiến lược đã đánh bại S&P 500 tới 1,183%+Nhận ƯU ĐÃI 40%

Các Ngân hàng nắm 8,7 triệu tỷ đồng BĐS thế chấp. Thị trường Việt Nam 7/9

Ngày đăng 09:56 07/09/2021
Cập nhật 10:03 07/09/2021
© Reuters

Theo Dong Hai

Investing.com – Thị trường Việt Nam phiên giao dịch thứ Ba ngày 7/9 với 3 thông tin chính: Các Ngân hàng nắm 8,7 triệu tỷ đồng BĐS thế chấp, giá nhôm tăng mạnh do đảo chính ở Guinea làm tăng thêm lo ngại đứt gãy nguồn cung và cập nhật Quy hoạch điện VIII: Năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm 25% công suất đặt và 13% sản lượng huy động… Dưới đây là nội dung chi tiết.

1. Các Ngân hàng nắm 8,7 triệu tỷ đồng BĐS thế chấp

Trong quá trình hoạt động ngân hàng, nợ xấu là hệ quả tất yếu phát sinh từ quan hệ tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng. Đó là lý do tại sao, hầu hết các khoản vay ngân hàng của ngân hàng đều phải có tài sản thế chấp. Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới đời sống người dân và doanh nghiệp, nợ xấu của ngành ngân hàng lại được đặt lên bàn cân. Theo đó, những ngân hàng nào sở hữu lượng tài sản thế chấp lớn, đặc biệt là bất động sản được cho là có lợi thế hơn trong quá trình xử lý nợ xấu, thu hồi nợ.

Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng của 29 ngân hàng lớn nhất là 8,43 triệu tỷ đồng với tổng tài sản bảo đảm là 17,56 triệu tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 208%/tổng dư nợ. Trong đó, tài sản bảo đảm là bất động sản là 8,69 triệu tỷ đồng tương đương 50%/tổng tài sản bảo đảm. Đáng chú ý, có ngân hàng vừa và nhỏ có tỷ lệ tài sản bảo đảm trên dư nợ rất cao như NCB (538%), tức là cứ 1 đồng tín dụng cho vay ra được đảm bảo bằng 5,3 đồng tài sản bảo đảm. Hay một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ tài sản bảo đảm/dư nợ cao như: VietABank (346%), MBB (HM:MBB) (346%), Bảo Việt (HN:BVS) (303%), TPBank (298%), VPBank (HM:VPB) (298%).

Ngược lại, đa số các ngân hàng có quy mô tài sản lớn, nằm trong nhóm big 4 lại có tỷ lệ tài sản đảm bảo/dư nợ thấp hơn, dao động từ 112-250% như: Agribank tỷ lệ tài sản đảm bảo/dư nợ chỉ 112%, tiếp theo là BIDV (HM:BID) (157%), VCB (HM:VCB) (176%), Vietinbank (HM:CTG) thì cao nhất nhóm là 251%.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng, tài sản bảo đảm tại các ngân hàng rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho... Trong đó, bất động sản vẫn được ưa chuộng hơn cả vì có tính thanh khoản cao, ít mất giá theo thời gian. Vì vậy mà khi sử dụng làm tài sản bảo đảm thì tỷ lệ cấp tín dụng/giá trị tài sản cũng cao hơn so với các loại hình thế chấp khác.

Theo đó, dù tỷ lệ tài sản bảo đảm/dư nợ thấp, nhưng nhóm big 4 và nhiều ngân hàng tư nhân lại có ưu thế về tài sản bảo đảm là bất động sản. Với dư nợ lớn nhất hệ thống, nhóm ngân hàng có vốn quốc doanh nắm giữ lượng tài sản thế chấp là bất động sản vượt trội so với các ngân hàng ngoài quốc doanh. Lớn nhất là CTG với 1.718.726 tỷ đồng, xếp sau là BIDV (1.298.497 tỷ đồng), Agribank (1.189.500 tỷ đồng), VCB (957.536 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, những ngân hàng có dư nợ tín dụng, tổng tài sản quy mô nhỏ thường sẽ có quy mô tổng tài sản thấp như: VietABank (20.444 tỷ đồng), Saigonbank (28.058 tỷ đồng), PGBank (31.824 tỷ đồng), Bản Việt (45.036 tỷ đồng), Kienlongbank (57.777 tỷ đồng), NCB (59.777 tỷ đồng)... Dù có quy mô tài sản bảo đảm là bất động sản lớn, nhưng tính về tỷ lệ bất động sản/tổng tài sản bảo đảm thì nhóm ngân hàng quốc doanh lại có phần kém cạnh so với nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh.

Những ngân hàng có tỷ lệ tài sản bảo đảm là bất động sản cao vượt trội gồm: ACB (HM:ACB) (93%), Saigonbank (91%), Agribank (89%), Sacombank (HM:STB) (84%), Eximbank (HM:EIB) (82%), Kienlongbank (82%). Ngược lại một số ngân hàng có tỷ lệ tài sản bảo đảm là bất động sản thấp chỉ dao động từ 11-50% gồm: VietABank (11%), NCB (27%), MSB (30%), MB (33%), SHB (HN:SHB) (38%), TPBank (39%), VPBank (42%) hay SeABank (48%). Nhóm ngân hàng còn lại có tỷ lệ tài sản bảo đảm là bất động sản từ 50-74%.

Việc sở hữu một lượng lớn tài sản thế chấp là bất động sản cũng được coi là "của để dành" khi các ngân hàng gặp vấn đề về tín dụng, cần xử lý nợ xấu. Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ nợ xấu gia tăng, thì việc các nhà băng sở hữu khối tài sản bảo đảm lớn là bất động sản được coi là lợi thế để thu hồi nợ. Tuy nhiên, việc lựa chọn tài sản thế chấp là bất động sản hay giấy tờ có giá, chứng khoán doanh nghiệp và cấp tín dụng với tỷ lệ bao nhiêu/tài sản bảo đảm ngoài tuân thủ các quy định của pháp luật còn phụ thuộc rất lớn vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Rủi ro sẽ thường đi cùng với lợi nhuận, rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn và ngược lại.

Một trong những điểm đáng lưu ý, không phải ngân hàng nào cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản lớn thì cũng có tài sản bảo đảm là bất động sản lớn. Ví dụ như nhóm các ngân hàng quốc doanh, chỉ có tỷ trọng cho vay bất động sản dao động từ 5-15% nhưng vẫn thuộc nhóm có tỷ trọng bất động sản trong tài sản thế chấp lớn nhất với tỷ lệ 66-89%. Trong khi đó một số ngân hàng có tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản, xây dựng rất lớn như Bảo Việt (53,6%), VPBank (33,5%), NVB (HN:NVB) (22%), SHB (21,5%), MSB (20,4%) nhưng tỷ lệ tài sản bảo đảm là bất động sản chỉ dao động từ 11-40%.

2. Giá nhôm tăng mạnh do đảo chính ở Guinea làm tăng thêm lo ngại đứt gãy nguồn cung

Giá nhôm kỳ hạn tháng 10 trong phiên giao dịch 6/9 trên sàn Thượng Hải đã tăng 3,4% lên hơn 21.980 nhân dân tệ (3.406,64 USD)/tấn - mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2006, sau đó giảm nhẹ và kết thúc ở mức 21.640 nhân dân tệ/tấn, vẫn cao hơn 1,6% so với phiên liền trước.

Sàn giao dịch kim loại London (LME) cũng chứng kiến giá nhôm đột ngột tăng, với kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 1,8% và chạm mức 2.775,50 USD/tấn – cao chưa từng có kể từ tháng 5/2011.

Việc giá nhôm ở cả 2 sàn London và Thượng Hải đều tăng thúc đẩy cổ phiếu của các nhà sản xuất trong ngành tăng mạnh. Theo đó, cổ phiếu của công ty Aluminium Corp - - công ty dẫn đầu ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc - tăng vọt, với mức tăng 10% trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông trong phiên 6/9, trong khi cổ phiếu của United Co. Rusal tăng 15%.

Một đơn vị quân đội Guinea đã lật đổ quyền vào hôm Chủ nhật, 5/9, tuyên bố đình chỉ hiến pháp. Người đứng đầu lực lượng đặc biệt, Đại tá Mamady Doumbouya, được sự ủng hộ của quân đội. Quốc gia tây Phi này là nhà cung cấp quan trọng bauxite, nguyên liệu cần thiết để sản xuất nhôm, sản xuất khoảng 1/4 sản lượng nhôm trên thế giới, và chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu của Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Dữ liệu xuất khẩu chính thức cho thấy nước này xuất khẩu khoảng 82,4 triệu tấn bauxite cho nhiều thị trường trên toàn cầu trong năm ngoái. Mặc dù tình hình bất ổn có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung khoáng sản của nước này, song cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc khai thác hoặc vận chuyển trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng.

3. Cập nhật Quy hoạch điện VIII: Năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm 25% công suất đặt và 13% sản lượng huy động

Dự thảo Quy hoạch điện VIII sau khi được rà soát cập nhật lại vừa chính thức được Bộ Công thương gửi lấy ý kiến các bên liên quan để kịp trình Chính phủ trong tháng 9 này. Theo đó, về cơ bản các thông số đầu vào phục vụ dự báo nhu cầu phụ tải không thay đổi, do đó kết quả dự báo nhu cầu phụ tải vẫn giữ nguyên so với Tờ trình số 1682/TTr-BCT (ngày 26/3/2021) về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Bộ cũng đã rà soát đánh giá những khó khăn, vướng mắc của tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, những nguyên nhân chính dẫn tới việc triển khai các phương án phát triển điện lực không đáp ứng được quy hoạch, dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình điều hành, đảm bảo an ninh cung cấp điện giai đoạn 2016-2020.

Với việc rà soát, tính toàn bổ sung các phương án phát triển nguồn điện, trong đó có tín tới phương án xác suất kỳ vọng mất tải (LOLE) của hệ thống điện vào năm 2030 là 24 giờ/năm so với phương án cũ là 12 giờ/năm đã dẫn tới giảm công suất một số nguồn điện xây dựng mới trong tổng công suất đặt hệ thống.

Phương án phát triển nguồn điện mới với LOLE là 24 giờ/năm được cho là giúp giảm đầu tư chung cho hệ thống và vẫn đảm bảo tiêu chí cung cấp điện ổn định, đáp ứng các ràng buộc đặt ra trong các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về mức ràng buộc giảm phát thảo khí thải CO2 (khoảng 9% vào năm 2030) đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua nội dung “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)” cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Bộ Công thương cũng đã chuẩn xác kết quả tính toán, tính toán phương án phát triển nguồn điện với kịch bản phụ tải cao, ngoài ra dự phòng một số nguồn điện có thể đưa vào phát triển trong trường hợp xẩy ra các bất lợi xếp chồng gồm có phụ tải tăng trưởng cao và một số nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh và một số nguồn điện than bị chậm sau năm 2030 để đáp bảo an ninh cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.

Theo các tính toán này, tổng công suất đặt của hệ thống năm 2030 là khoảng 130.370-143.839 MW. Trong số đó, thuỷ điện lớn, vừa, nhỏ và thuỷ điện tích năng là 17,7% - 19,5%; nhiệt điện than là khoảng 28,3% - 31,2%; nhiệt điện khí, dầu (tính cả LNG) đạt khoảng 21,1 - 22,3%; nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm điện gió, mặt trời, sinh khối) đạt 24,3 %- 25,7% và nhập khẩu khoảng 3-4%.

Về điện năng sản xuất và nhập khẩu năm 2030 là khoảng 551,3-595,4 tỷ kWh. Trong đó, thuỷ điện các loại và tích năng là 15,4% - 16,8%; nhiệt điện than khoảng 44 - 45,5%; nhiệt điện khí và dầu (cả LNG) chiếm 23 - 23,8%; năng lượng tái tạo là 11,9% - 13,4% và nhập khẩu điện khoảng 2,9% - 3,6%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó:

  • Thủy điện huy động đạt 30,46 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 23,7%.
  • Nhiệt điện than huy động đạt 66,67 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 51,9%.
  • Tua bin khí huy động đạt 15,66 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 12,2%.
  • Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4%.
  • Điện nhập khẩu đạt 624 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 0,5%.
  • Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.

Trước đó ngày 26/3/2021, Bộ Công thương đã có tờ trình số 1682/TTr-BCT về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII, tuy nhiên nội dung này chưa được Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 xem xét, ra quyết định.

Khi bước vào nhiệm kỳ mới, Chính phủ mới đã rà soát lại Dự thảo Quy hoạch Điện VIII và nhận thấy Quy hoạch Điện VII và các điều chỉnh đã vượt tổng nguồn điện được đưa ra tại Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, nên đã yêu cầu Bộ Công thương phải rà soát, "gác lại" một số nguồn điện đang được đề ra trong Quy hoạch Điện VIII.

Theo đánh giá của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII dự kiến phân bổ nguồn điện giữa các vùng miền chưa hợp lý, dẫn tới phải truyền tải điện từ các địa phương miền Nam ra miền Bắc, khiến chi phí đầu tư của hệ thống truyền tải điện rất lớn. Đồng thời yêu cầu “cần thận trọng khi xây dựng quy hoạch, không vì tiến độ mà phải vội vàng”.

Quy hoạch Điện VIII được xem là một trong những quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, được Chính phủ đặc biệt quan tâm với mục tiêu “điện đi trước một bước, nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với chi phí tối ưu nhất cho nền kinh tế”.

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.