Vietstock - Các doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với nhiều khó khăn
Bộ Xây dựng nhìn nhận dù thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn.
HoREA nhận định 70% vướng mắc của thị trường bất động sản liên quan tới pháp lý |
Sáng 11-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản). Hội nghị có sự tham dự của nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội.
Đánh giá về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Những chỉ đạo này đã giúp thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
"Tuy nhiên, thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước" - Bộ Xây dựng cho biết và đánh giá tình trạng khó khăn này bắt đầu từ cuối năm 2022 và tiếp tục kéo dài đến thời điểm hiện nay.
Cụ thể, nhiều dự án bất động sản gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện (phải tạm dừng, giãn, hoãn tiến độ; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn). Sức mua và thanh khoản giảm mạnh.
Nguồn cung cho thị trường khá hạn chế tuy nhiên giá nhà ở lại có xu hướng tăng, vượt khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân. Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề, ảnh hưởng đến an sinh và an ninh, trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực đất đai; lĩnh vực quy hoạch; lĩnh vực đầu tư; lĩnh vực nhà ở, đô thị và xây dựng (quy định về việc không cho phép chấp thuận chủ trương đồng thời lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp đã có quyền sử dụng "đất khác" không phải đất ở; các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở, đô thị; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo lại chung cư cũ; về việc quy đổi diện tích căn hộ và giá quy đổi trong phương án bồi thường…) và liên quan nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu và việc giải quyết đề xuất của doanh nghiệp của các cơ quan chức năng còn chậm trễ.
Mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng) được Quốc hội thông qua tháo gỡ, tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay.
Cần nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Chính phủ trong tháng 5-2024. Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30-6-2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Đất đai trình Chính phủ trong tháng 5-2024. Đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ làm việc trực tiếp cùng các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,..giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xử lý "lòng vòng" gây chậm trễ.
Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến các dự án bất động sản của doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng…
Đối với các doanh nghiệp điều chỉnh lại phân khúc, giá bất động sản, phù hợp với thị trường và đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động và thực hiện dự án…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định "vướng mắc pháp lý" là vướng mắc lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp chủ đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở. |
Văn Duẩn