Vietstock - Ngân hàng cấp tập thêm dịch vụ kiểm tra sổ tiết kiệm sau vụ mất 245 tỷ
Không chỉ ngân hàng đã xảy ra sự cố mất tiền mà nhiều nhà băng khác cũng chủ động bổ sung tính năng theo dõi sổ tiết kiệm từ xa.
* Bộ Công an truy nã nguyên Phó giám đốc Eximbank lừa đảo hàng trăm tỉ đồng
* Khách hàng mất 245 tỷ đồng tại Eximbank, Phó Thống đốc nói gì?
* Sau sự cố tại Eximbank, làm sao để minh bạch tiền gửi của khách hàng
Sau hàng loạt vụ tiền gửi tiết kiệm "bốc hơi", nhiều ngân hàng đã ồ ạt tung ra thêm tiện ích kiểm tra số dư sổ tiết kiệm nhằm lấy lại lòng tin của khách hàng, đặc biệt là tại những nhà băng đã không may xảy ra sự cố.
Như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) - nơi xảy ra sự việc mất 245 tỷ đồng của nữ khách hàng Chu Thị Bình mới đây - vừa bổ sung dịch vụ thông báo biến động số dư tiền gửi, tiết kiệm có kỳ hạn qua tin nhắn SMS. Theo ngân hàng, dịch vụ này sẽ giúp khách gửi tiền kiểm soát số dư tiết kiệm trên từng tài khoản và phát hiện kịp thời các giao dịch bất thường.
Hàng loạt vụ khách hàng báo mất tiền sau khi đã gửi vào ngân hàng gần đây. Ảnh: Anh Quân.
|
Trước đó, Ngân hàng Đại dương (OceanBank) cũng có động thái tương tự sau khi hàng loạt sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỷ đồng bỗng dưng “bốc hơi” tại một chi nhánh ở Hải Phòng hồi năm ngoái. Theo đó, khách hàng đã gửi sổ tiết kiệm tại OceanBank được ngân hàng khuyến cáo nên chủ động kiểm tra tình trạng sổ tiết kiệm của mình qua dịch vụ tin nhắn.
Trong khi đó, dù chưa xảy ra sự cố đáng tiếc, một số ngân hàng vẫn tận dụng lợi thế công nghệ để bổ sung tính năng kiểm tra số dư sổ tiết kiệm. Như Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank, MSB) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) cũng vừa thông báo cho phép khách tra cứu tiền gửi tiết kiệm trực tuyến bằng tiện ích mới từ hôm qua (ngày 1/3).
Theo đó, chủ sổ tiết kiệm sẽ truy cập vào website của ngân hàng hoặc qua Internet Banking, Mobile Banking và nhập tài khoản cá nhân để tra cứu các thông tin về sổ tiết kiệm như: tên chủ thẻ, số tiền gốc ban đầu, tiền gốc hiện tại, ngày gửi, ngày đáo hạn, kỳ hạn, lãi suất...
Hay như TPBank, từ đầu năm 2016, đơn vị này đã đưa ra giải pháp dùng QR Code để kiểm tra thông tin sổ tiết kiệm. Theo đó, mỗi sổ tiết kiệm TPBank phát hành sẽ gắn một mã QR mà khi tra cứu có thể đưa ra thông tin về tình trạng sổ tiết kiệm.
Đánh giá cao việc bổ sung tính năng tra cứu sổ tiết kiệm của các nhà băng nhưng một chuyên gia tài chính từng có thời gian lâu năm làm chuyên môn trong ngành cho rằng cách thức này không giải quyết căn bản vấn đề. Theo ông, sau khi đã gửi tiền vào ngân hàng, giữ tiền là trách nhiệm của ngân hàng và người gửi tiền không thể cứ liên tục ra vào website, ebank để tra cứu, kiểm tra tình trạng sổ tiết kiệm của mình.
Do đó, ông cho rằng, để giải quyết căn bản vấn đề, bản thân các ngân hàng cần rà soát và chấn chỉnh lại quy trình quản lý nội bộ, kiểm soát rủi ro của mình để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Để tránh rơi vào tình trạnh mất tiền oan, bên cạnh các giải pháp công nghệ, khách hàng nên chủ động kiểm tra số dư sổ tiết kiệm sau khi gửi tiền vào ngân hàng.
Theo lời khuyên của một tổng giám đốc ngân hàng, các rủi ro từ nhân viên (nếu có) thường xảy ra ngay sau khi khách hàng mở sổ tiết kiệm. Do đó, nguyên tắc chung là ngay sau khi mở sổ tại quầy, khách hàng nên chủ động kiểm tra xem tiền mình gửi đã vào hệ thống của ngân hàng đó chưa. Không ít khách hàng cẩn thận còn đến một chi nhánh khác của ngân hàng nhờ kiểm tra lại trên hệ thống.
Anh Tú