Vietstock - Khi nhà băng Việt 'thâu tóm' ngân hàng nước ngoài
Trong khoảng vài năm trở lại đây, định hướng chuyển dịch sang mảng bán lẻ đã được các Ngân hàng thương mại (NHTM) đặc biệt chú trọng dù gặp phải không ít khó khăn.
Mới đây nhất, VIB đã hoàn tất thương vụ mua lại hoạt động kinh doanh của chi nhánh một ngân hàng nước ngoài trên địa bàn TPHCM. Thương vụ này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và dự kiến sẽ công bố vào đầu tuần sau.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch mua lại mảng hoạt động kinh doanh của một tổ chức tín dụng tại Việt Nam, bao gồm tài sản và công nợ về để khai thác và kinh doanh trong hệ thống VIB.
Cách đây ít lâu, NHNN đã chấp thuận cho SHB mở Văn phòng đại diện tại Myanmar. Như vậy, sau Lào và Campuchia, Myanmar là thị trường nước ngoài thứ 3 có sự hiện diện của SHB. Ngoài ra, NHNN cũng đã chấp thuận cho SHB mở thêm 5 Chi nhánh mới tại Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Hà Nam, Bình Định, Tây Ninh.
Tương tự, để đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe như trên, trong 2 năm qua, Nam A Bank là một trong số ít những NHTM tại Việt Nam được cấp phép mở rộng 17 điểm giao dịch tại các tỉnh thành trọng điểm như Ninh Thuận, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh, Đak Lak, Kiên Giang, Cần Thơ, Phú Thọ…, gia tăng sự hiện diện tại các thị trường mục tiêu.
Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, các ngân hàng nội không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà còn vấp phải sự cạnh tranh đến từ nhiều ngân hàng ngoại. Do đó, việc mở rộng mạng lưới vẫn luôn là yêu cầu cấp thiết để chiếm lĩnh thị phần giữa các NHTM.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể mở rộng mạng lưới. Bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp phép cho những NHTM đảm bảo đủ hồ sơ và điều kiện theo quy định, triển khai tích cực và đạt yêu cầu đối với các phương án cơ cấu lại hoặc sáp nhập, hợp nhất.
Theo đó, để mở mới chi nhánh hoặc phòng giao dịch, các NHTM phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe như tỷ lệ nợ xấu không được vượt quá 3%, kinh doanh có lãi, đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn trong hoạt động và năng lực tài chính… “Hàng rào” này hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống, coi trọng chất lượng hơn số lượng.