Vietstock - Ngành gạo không phải loay hoay giải quyết đầu ra đến hết quý 3
Trong phiên đấu thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo 25% tấm của Philippines cách đây 2 ngày, nếu các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần bỏ thầu với mức giá nhỉnh hơn 1-2 USD/tấn thì chắc chắn sẽ không thể trúng thầu.
Mặc dù chưa đạt được mức giá như mong muốn nhưng theo ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Vinafood 2, đơn vị trúng một trong 4 lô thầu, việc này cũng xem như “thắng lớn."
Đáp ứng điều kiện khó
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên đấu thầu xuất khẩu gạo 25% tấm sang Philippines vừa qua, có 4 doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu tổng cộng 175.000 tấn với mức giá trúng thầu khác nhau.
Cụ thể, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) trúng thầu lô 50.000 tấn gạo với mức giá quy sang giá FOB là 369,45 USD/tấn; Công ty cổ phần Quốc tế gia trúng 50.000 tấn với giá từ 357-367 USD/tấn; Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long trúng thầu 50.000 tấn gạo, có giá 354-359 USD/tấn và Công ty cổ phần Hiệp Lợi trúng lô 25.000 tấn, với mức giá tốt nhất là 370,9 USD/tấn.
Thống kê của Ozyra (một trang chuyên cập nhật các thông tin về thị trường lúa gạo trên thế giới) trong ngày 26/7 cũng cho thấy, gạo 25% tấm của Việt Nam đang được chào bán đã dao động ở mức 373-377 USD/tấn, chỉ thấp hơn gạo Thái Lan 2 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Ấn Độ có mức thấp hơn, dao động ở 363-367 USD/tấn, gạo Pakistan là 358-362 USD/tấn.
Khi phóng viên TTXVN hỏi về tính hiệu quả đợt đấu thầu gạo sang Philippines lần này, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA không đưa ra nhận định, đánh giá nào. Tuy nhiên, với tư cách là Tổng Giám đốc Vinafood 2, đơn vị trúng thầu lô 50.000 tấn gạo cho Philippines đợt này, ông Năng cho rằng do Vinafood 2 trúng thầu với mức giá khá tốt, gần 370 USD/tấn (giá FOB) và có sẵn hàng trong kho nên cũng xem như “thắng lớn."
Theo ông Năng, điểm hay nhất ở đợt đấu thầu này là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo Việt đã tiếp cận với thị trường quốc tế, đáp ứng được những điều kiện tưởng chừng rất khó thực hiện do phía Philippines đưa ra, nhất là những yêu cầu về chứng minh năng lực tài chính, có lịch sử xuất khẩu gạo với lô hàng tương đương trước đó...
Do vậy, việc có 4 doanh nghiệp trong tổng số 8 doanh nghiệp tham gia đã trúng thầu là một minh chứng rất rõ chứng thực năng lực của các doanh nghiệp ngành gạo trong bối cảnh thị trường mới hiện nay.
Tạo đà cho xuất khẩu trong quý 3
Đánh giá về tác động của đợt trúng thầu gạo sang Philippines lần này đối với thị trường, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho rằng mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu không nhiều nhưng cũng góp phần thúc đẩy giá gạo trong nước ổn định trong thời gian tới.
Ngoài hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trong nước cũng đang chuẩn bị nguồn hàng để giao hàng theo các hợp đồng tập trung đã ký trước đó cho Cuba, Bangladesh, Malaysia… và một số hợp đồng thương mại.
Do vậy, từ nay đến hết quý 3/2017, ngành gạo Việt Nam không phải loay hoay với việc giải quyết đầu ra cho nông dân.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Gạo Việt cũng cho rằng đợt trúng thầu này sẽ tác động tốt đến thị trường lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy vậy, phần lớn giá gạo xuất khẩu theo các hợp đồng tập trung đã ký đều thấp hơn so với giá thị trường nên tính hiệu quả của toàn ngành không cao.
Mặt khác, cũng theo ông Long, nếu giá lúa gạo nội địa “bật” lên quá cao thì khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam ở các hợp đồng thương mại sẽ kém hẳn. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ngang bằng hoặc nhỉnh hơn so với gạo Thái Lan. Chẳng hạn, gạo 5% tấm của Thái Lan đang được chào bán ở mức 395 USD/tấn, trong khi gạo Việt Nam phải 407 USD/tấn mới có lợi nhuận. Nếu giá gạo Việt không điều chỉnh theo giá gạo Thái Lan thì khó thu hút nhu cầu và ký các hợp đồng mới trong thời gian tới.
Theo nhận định mà VFA mới đưa ra gần đây, nhu cầu tiêu thụ gạo ở khu vực châu Á đang tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay. Hiện có một số nhu cầu mới đang nổi lên tạo động lực cho thị trường. Đơn cử như Bangladesh sau 3 đợt đấu thầu 150.000 tấn gạo và 250.000 tấn mua của Việt Nam cũng đang đàm phán 200.000 tấn với Thái Lan và có thể tiếp tục mua thêm của Việt Nam.
Sri Lanka cũng đang khẩn cấp nhập khẩu 55.000 tấn gạo từ Pakistan và Myanmar, đang giao dịch nhập khẩu 200.000 tấn của Thái Lan cũng như thăm dò tìm nguồn cung cấp từ các nước khác bao gồm Việt Nam.
Ngay cả Philippines, ngoài đấu thầu nhập khẩu 250.000 tấn vừa qua, nước này cũng có thể nhập khẩu thêm để củng cố tồn kho dự trữ bảo đảm an ninh lương thực theo quy định.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, Ấn Độ dự báo cũng tác động đến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Việc các doanh nghiệp Việt có tiếp cận được với các nhu cầu trên hay không còn tùy thuộc vào tính cạnh tranh về giá so với các đối thủ xuất khẩu khác cũng như sản lượng thu hoạch vụ Hè Thu trong tháng 8-9 tới đây.
Số liệu của Cục Trồng trọt cho thấy, tính đến ngày 20/7, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch khoảng 650.000 ha lúa Hè Thu trong tổng số 1,64 triệu ha diện tích gieo trồng, với năng suất khoảng 5,9 tấn/ha. Đồng thời, các tỉnh, thành này cũng xuống xuống giống khoảng 360.000 ha gieo trồng trong vụ Thu Đông.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,3 triệu tấn và 1,5 tỷ USD, tăng 15,7% về khối lượng và tăng 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng năm 2017 đạt 444,6 USD/tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016./.