Vietstock - Ba thách thức lớn của công nghiệp Việt Nam
Những thách thức không nhỏ là nguy cơ "tiêu dùng giùm", "xuất khẩu hộ", "bãi thải" công nghệ...
Công nghiệp có vai trò quan trọng hàng đầu trong tiến trình trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
|
Công nghiệp là nhóm ngành kinh tế thực lớn nhất, là động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước, đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới.
Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công nghiệp có vai trò quan trọng hàng đầu để chuyển một nước từ nông nghiệp sang công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thách thức xuất phát từ 3 yếu tố
Yếu tố dễ nhìn thấy nhất xuất phát từ chính vai trò của ngành công nghiệp đối với việc thực hiện mục tiêu của của toàn bộ nền kinh tế trong cả năm 2018, cũng như mục tiêu chuyển từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong nền kinh tế thị trường, công nghiệp cùng với xây dựng là nhóm ngành kinh tế thực lớn nhất. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu xuất hiện từ cuối năm 2008 cho thấy, những nước có nền kinh tế thực lớn bị ảnh hưởng ít hơn, ít nhất là không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng, không bị suy thoái, có chăng tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm. Tác động ở bên ngoài thường bị chậm hơn.
Yếu tố thứ hai xuất phát từ thực tế đang diễn ra. Sau mấy năm, tăng trưởng công nghiệp đã cao trở lại, trở thành động lực và đầu tầu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, góp phần giúp cho tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế (năm 2017 đạt kết quả kép: vừa cao hơn năm trước, vừa vượt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội). Tăng trưởng cao của công nghiệp trong quý 1 nói riêng và trong 6 tháng đầu năm 2018 đã góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế trong quý 1 và 6 tháng đầu năm đạt cao nhất so với cùng kỳ trong hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, thách thức bắt đầu xuất hiện khi tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã bị chậm lại. Toàn ngành công nghiệp nếu quý 1 tăng 12,9%, thì quý 2 chỉ còn tăng 8,4%; 8 tháng tăng thấp hơn quý 1 (11,2% so với 12,9%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo – ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp – quý 1 tăng 15,7%, thì quý 2 tăng 10,1%, 8 tháng tăng thấp hơn quý 1 (13,3% so với 15,7%).
Yếu tố thứ ba xuất phát từ xuất/nhập khẩu. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đã chậm lại nhanh qua các kỳ (từ 41,6% trong tháng 1 còn 26,1% trong 2 tháng, còn 24,8% trong 3 tháng, còn 19,2% trong 4 tháng, còn 17,3% trong 5 tháng, còn 16,3% trong 6 tháng, còn 14,5% trong 8 tháng – chỉ bằng hơn một nửa tốc độ tăng của 2 tháng đầu năm. Nhiều mặt hàng công nghiệp có kim ngạch tăng chậm lại, hoặc thấp hơn như dầu thô, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù...
Do chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xảy ra, có thể mở rộng về quy mô, lan rộng ra nhiều nước và tiếp nối là cuộc chiến tranh tiền tệ với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (mất giá tới 9% tính từ đầu năm), sẽ dẫn đến hậu quả là xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc không tăng cao như trước đây, trong khi nhập khẩu từ thị trường này sẽ rất cao. Giá nhập khẩu tăng cao hơn giá xuất khẩu, làm cho tỷ giá thương mại của Việt Nam chuyển từ dấu dương trong 3 năm trước sang dấu âm trong 6 tháng đầu năm nay, tác động tiêu cực đến xuất khẩu...
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ cũng gặp khó khăn khi Mỹ nghi ngờ hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ để tránh thuế suất cao từ Trung Quốc vào Mỹ. Thực tế tốc độ tăng xuất khẩu vào Mỹ 8 tháng 2018 chỉ bằng trên một nửa tốc độ tăng bình quân năm trong thời kỳ 2012-2017 (10,2% so với 16,2%); trong khi nhập khẩu từ thị trường này lại ngược lại (8 tháng 2018 tăng 39,2%, cao hơn nhiều mức 13,9% bình quân năm trong thời kỳ 2012-2017). Cũng do yếu tố này sẽ làm cho xuất siêu vào Mỹ sẽ không còn lớn như trước, còn nhập siêu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng và với quy mô lớn hơn. Thực tế tổng mức xuất siêu nếu 3 tháng đã đạt 3,89 tỷ USD, thì 8 tháng chỉ còn 2,85 tỷ USD.
Thách thức không nhỏ là nguy cơ "tiêu dùng giùm", "xuất khẩu hộ", "bãi thải" công nghệ,... cũng cần được quan tâm.
Cơ hội đã có, cần biết tận dụng
Cuộc chiến tranh thương mại cũng tạo cơ hội cho kinh tế Việt Nam nói chung, cho công nghiệp Việt Nam nói riêng, có cơ hội (nhưng không phải lớn hơn thách thức như ý kiến của một số chuyên gia).
Cơ hội về tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ khi hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế suất cao. Trong các mặt hàng này có dệt may, giày dép, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại, hàng thủ công mỹ nghệ, hạt điều...
Cơ hội về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam với nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã ký kết hoặc sắp ký kết sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu được hưởng lợi về thuế suất giảm thiểu nếu có xuất xứ sản xuất tại Việt Nam. Tỷ trọng FDI vào công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo thường lớn nhất, nên công nghiệp có điều kiện tăng. Tuy nhiên, cần thận trọng với việc đầu tư để "né" thuế khi xuất khẩu, để tránh "bãi thải công nghệ"...
Cơ hội sâu xa nhưng có tính bắt buộc là công nghiệp Việt Nam phải nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng việc đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động và phát triển khoa học công nghệ đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, vừa để giảm nhập khẩu, vừa để giải quyết công ăn việc làm, vừa để tăng liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước, với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài...
DƯƠNG NGỌC