Vietstock - Xuất khẩu gặp lực cản nào trong năm 2022?
Xuất khẩu nhiều khả năng sẽ khó tăng trưởng mạnh vào năm 2022 do hành vi mua sắm đã được đẩy mạnh từ năm 2020, 2021...
Ảnh minh hoạ. |
Xuất khẩu trở thành tâm điểm cho kinh tế Việt Nam bứt phá ngoạn mục trở lại trong quý 4/2021 sau khi lần đầu tiên trong lịch sử tăng trưởng âm sâu vào quý 3/2021.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá trị xuất khẩu tăng 8,3% so với tháng trước tăng 24,8% so với cùng kỳ lên khoảng 34,5 tỷ USD vào tháng 12 năm 2021. Trong cả năm 2021, giá trị xuất khẩu tăng lên 336,3 tỷ USD tăng 19% so với cùng kỳ. Các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2021 bao gồm thép tăng 123,4%, nguyên liệu nhựa tăng 69,0%; máy ảnh và máy quay phim tăng 59,9%, sợi dệt tăng 50,8% và xăng dầu tăng 45,9%.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trong năm 2022
Bước sang năm 2022, hầu hết giới chuyên môn và các công ty chứng khoán đều nhận định, xuất khẩu sẽ tốt hơn nữa nhờ các thị trường đều hồi phục mạnh sau Covid-19. Cụ thể, theo VnDirect, thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2022. Dựa trên báo cáo mới nhất của Tổ thức Thương mại Thế giới - WTO, khối lượng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2022, tăng từ mức dự báo 4% so với báo cáo trước đó và có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022.
Chi phí vận chuyển đã dần bình thường hoá từ cuối năm 2021 do các biện pháp phòng chống dịch được giảm thiểu nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao cũng như tình trạng thiếu hụt container được giảm thiểu sau khi đơn đặt hàng sản xuất container tăng mạnh kể từ giữa năm 2021. Một số chỉ số vận tải hàng hoá quan trọng từ tháng 10/2021 gồm chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic. Chi phí vận tải hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, đặc biệt là sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Ngoài ra, các Hiệp định thương mại thế hệ mới như RCEP, EVFTA có hiệu lực từ năm 2020 và năm 2022 sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... tăng trưởng đáng kể.
"Tóm lại, xuất khẩu Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao, tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ vào năm 2022 và xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam năm 2022", VnDirect nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (HM:VDS) - VDSC, tin rằng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đã dần giảm bớt sau khi Chính phủ thay đổi tư duy về đối phó với đại dịch theo Nghị quyết 128, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng trở lại của các hoạt động sản xuất. Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022, nhu cầu thế giới tích cực sẽ giúp cho tăng trưởng xuất khẩu cao được duy trì trong năm 2022.
Tương tự, BSC cũng cho rằng, xu hướng giao dịch thương mại toàn cầu được dự đoán tăng trưởng mạnh. Hiện tượng này sẽ khiến cho nhu cầu sử dụng nhóm hàng hóa công nghệ cao (máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng
và điện thoại linh kiện điện tử) và nhóm gỗ và sản phẩm gỗ nối tiếp đà tăng mạnh từ năm 2021.
Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu hòa hoãn và các vấn đề bế tắc cốt lõi giữa song phương vẫn chưa được nhắc đến trong các cuộc gặp mặt của hai đoàn ngoại giao Hoa Kỳ - Trung Quốc. Xu hướng dịch chuyển sản xuất sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở hai nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.
Trên cơ sở đó, BSC ước tính tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt mức 391.7-399.0 tỷ USD tăng 17,8%- 20,0% vào năm 2022. Nhập khẩu đạt mức 386.5- 393 tỷ USD tăng 17.1-19.0%. Theo kết quả dự tính, trên Việt Nam có thể xuất siêu 5,2-6,9 tỷ USD vào năm 2022.
Không có quá nhiều động lực từ thị trường Mỹ?
Trái ngược với tinh thần lạc quan từ các tổ chức trong nước, quỹ đầu tư VinaCapital lại cho rằng, sẽ không có quá nhiều động lực từ xuất khẩu trong 2022. Trong báo cáo “Nhìn về phía trước – 2021”, VinaCapital đã thảo luận về nhu cầu đối với mặt hàng “dùng khi ở nhà” như tivi, laptop, và nội thất của người tiêu dung Mỹ, động lực giúp hỗ trợ các ngành sản xuất ở Việt Nam vào năm 2021, lưu ý rằng ngành sản xuất chiếm khoảng 25% GDP Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam đến Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng đã tăng trưởng kép 25% trong giai đoạn 2020 – 2021. Tuy nhiên theo quỹ đầu tư này, rất ít khả năng rằng Mỹ sẽ một lần nữa áp đặt các lệnh phong tỏa COVID nghiêm ngặt lần nữa vào năm nay và người tiêu dùng Mỹ đã mua sẵn một lượng lớn của các loại hàng hóa “dùng khi ở nhà” trong năm 2021, vì vậy cũng không quá bất ngờ khi nhu cầu mua thêm các mặt hàng đắt tiền như tivi, máy tính...của họ gần đây đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, theo khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại Học Michigan.
Những lo ngại của VinaCapital có cơ sở khi mà những tháng đầu năm ghi nhận xuất khẩu giảm nhẹ. Cụ thể, theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu năm 2022 (từ ngày 01/01 đến ngày 15/01/2022), tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 27,55 tỷ USD, giảm 20,7% (tương ứng giảm 7,21 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 12/2021.
So với cùng kỳ năm 2021, xuất nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 1/2022 tăng 5,1% tương ứng tăng 1,33 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu giảm nhẹ 0,1%, tương ứng giảm 16,6 triệu USD; nhập khẩu tăng 10,2%, tương ứng tăng 1,35 tỷ USD. về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 01/2022 đạt gần 12,96 tỷ USD, giảm 30,6% (tương ứng giảm 5,72 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 12/2021.
Trị giá xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 01/2022 giảm so với nửa cuối tháng 12/2021 ở một số nhóm hàng, như máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,21 tỷ USD, tương ứng giảm 43,5%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 1,2 tỷ USD, tương ứng giảm 39,5%; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng khác giảm hơn 1 tỷ USD, tương ứng giảm 42,2%; hàng dệt may giảm 576 triệu USD, tương ứng giảm 28,5%...
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 1 tháng 01 năm 2022 và kỳ 2 tháng 12 năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan. |
Mặc dù kỳ vọng xuất khẩu Việt Nam tăng vào năm 2022 và thặng dư có thể đạt đến 9,8 tỷ USD tăng gấp đôi so với con số đạt được vào năm 2021 song VnDirect cũng lo ngại với thị trường Trung Quốc.
Nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính đã chú ý đến đà sụt giảm tại thị trường chứng khoán Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng suy yếu của quốc gia này trong nửa cuối năm 2021, tuy vậy hiệu ứng lan tỏa là không cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm xuống 5,6% so với cùng kỳ vào năm 2022, từ mức cao là 8,0% so với cùng kỳ trong năm 2021.
VnDirect lo ngại rằng nếu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu mạnh hơn dự tính của thị trưởng, có thể là do tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại, tình trạng thiếu điện có thể gây ảnh hưởng lớn đến triển vọng xuất khẩu cũng như tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam. Lưu ý rằng, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam (đứng thứ hai sau Mỹ) và 33% giá trị nhập khẩu của Việt Nam (đứng thứ nhất) trong 10T21. Ngoài ra, Trung Quốc đứng thứ tư trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 11T21.
"Mặc dù thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng những nỗ lực này đã không mang lại kết quả như mong muốn. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc tiếp tục tăng và sự phụ thuộc quá mức vào tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là những yếu tố dễ gây ra tổn thương đối với sự phục hồi kinh tế vào năm 2022", VDSC đồng quan điểm.
An Nhiên