Vietstock - Ông Trần Đức Anh (KBSV): Khối ngoại sẽ mua ròng từ quý 2, VN-Index có thể chạm 1,500 điểm năm 2025
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), động lực chính của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 đến từ tăng trưởng lợi nhuận và nền lãi suất thấp. Với các yếu tố thuận lợi chiếm đa số, VN-Index sẽ tiến lên trên 1,450 điểm, thậm chí có thể đạt mức cao nhất 1,500 điểm.
Nhiều nhiễu động xoay quanh “Trump 2.0”
Đánh giá về tác động của chính sách thuế quan thời “Trump 2.0” lên vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trần Đức Anh cho rằng sẽ thể hiện thông qua hai khía cạnh.
Đầu tiên là tỷ giá, với việc dư địa để DXY tăng mạnh vào năm 2025 thực tế không còn nhiều, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong chu kỳ hạ lãi suất, hỗ trợ đồng USD hạ nhiệt.
Ông Trần Đức Anh nhận định, hành động của Fed có thể nhanh hoặc chậm nhưng chắc chắn chu kỳ hạ lãi suất vẫn tiếp tục diễn ra, nếu có đảo chiều thì ít nhất phải đến năm 2026.
Bên cạnh đó, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump có thể khiến thâm hụt ngân sách tiếp tục nới rộng, thậm chí tạo ra thâm hụt kép cả ngân sách lẫn thương mại, dẫn đến sự suy yếu của đồng USD.
Năm 2024 vừa qua, USD cũng đã tăng rất mạnh, hưởng lợi từ nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt trội so với các nền kinh tế khác như EU, Nhật Bản, Trung Quốc... Tuy nhiên, bức tranh năm 2025 có thể không quá chênh lệch nữa, một phần vì các nền kinh tế khác với nhiều chính sách hỗ trợ cũng sẽ bắt đầu có tác dụng vào kinh tế, dần bắt nhịp tăng trưởng trở lại. Một phần nữa là chính sách thuế của Trump có thể gây cản trở cho đà tăng trưởng tiêu dùng của nền kinh tế Mỹ, qua đó tạo tác dụng ngược không mong muốn.
Chuyên gia KBSV dự báo chỉ số DXY cơ bản sẽ đi ngang, hoặc có thể giảm nhẹ trong kịch bản tích cực hơn, nên tỷ giá năm 2025 sẽ chịu ít áp lực hơn.
Khía cạnh thứ hai là thương mại, với việc Trump làm Tổng thống rõ ràng sẽ gây xáo trộn rất nhiều cho dòng chảy thương mại toàn cầu. Dù Việt Nam có lợi thế quan hệ chính trị tương đối tốt với Mỹ và hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ phần nhiều là những mặt hàng truyền thống như thủy sản, dệt may, da giày vốn không cạnh tranh trực tiếp với sản xuất của Mỹ, tuy nhiên, rủi ro bị đánh thuế cao là có.
Khi đó, tình hình sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy nhiên, kết quả ra sao còn tùy thuộc vào việc đánh thuế diễn ra như thế nào, mức thuế là bao nhiêu, các mặt hàng nào bị đánh thuế hay đánh thuế toàn diện.
Trong kịch bản Việt Nam không bị đánh thuế, xuất khẩu sẽ tăng trưởng tích cực từ 10% trở lên, vì hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ chịu thuế 60 - 70% dẫn đến cửa để vào Mỹ rất khó, trong khi quốc gia này lại là đối thủ cạnh tranh chính của hàng hóa Việt Nam vào Mỹ.
Nhiều động lực bên trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo ông Trần Đức Anh, ngoài các yếu tố bất định bên ngoài thì nội tại Việt Nam còn tương đối tích cực, ủng hộ xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Tăng trưởng kinh tế năm 2024 vừa qua khoảng 7%. Sang năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu vượt 8% - rất tham vọng, nhưng hoàn toàn khả thi vì nhiều yếu tố:
Thứ nhất, các động lực từ xuất khẩu tích cực; thu hút vốn FDI; giải ngân đầu tư công tốt vì là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm; nợ công/GDP chỉ 30%, giúp dư địa giải ngân còn rất nhiều; mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp; tăng lương cơ sở; giảm thuế VAT; nhiều chính sách kích cầu có thể giúp nhu cầu tiêu dùng trong nước hồi phục mạnh.
Tổng thể, kinh tế Việt Nam năm 2025 vẫn tăng trưởng tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng cao về lợi nhuận, dự báo năm 2024 tăng 13 - 15% và năm 2025 tăng 16 - 17%, qua đó tác động tích cực về mặt cơ bản cho thị trường tăng điểm.
Thứ hai, việc vẫn đang có nền lãi suất thấp sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán. Dù thời gian gần đây có nhiều ngân hàng tăng lãi suất, nhưng thực chất có sự phân mảnh - đa số tăng tại các ngân hàng nhỏ, còn 4 ngân hàng quốc doanh thì mặt bằng vẫn ổn định ở mức thấp kỷ lục, dưới cả thời điểm đại dịch COVID-19. Sang năm 2025, nếu lãi suất có tăng nhẹ thì vẫn ở mức thấp.
Tựu trung, động lực chính của thị trường chứng khoán năm 2025 đến từ tăng trưởng lợi nhuận và nền lãi suất duy trì ở mức thấp.
VN-Index có thể chạm đến 1,500 điểm
Sau năm 2024 bị khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 90 ngàn tỷ đồng, ông Trần Đức Anh dự báo khả năng cao khối ngoại sẽ mua ròng trở lại từ quý 2 hoặc ít nhất là giao dịch cân bằng trong năm 2025, do ba yếu tố chủ đạo tác động đến việc bán ròng năm 2024 đều sẽ hạ nhiệt.
Đầu tiên là định giá thị trường Mỹ quá cao thì dòng tiền có thể hướng đến các thị trường mới nổi có tiềm năng tăng trưởng tốt trong khi định giá còn thấp, điển hình là Việt Nam. Tiếp đến là áp lực tỷ giá sẽ không còn căng thẳng như năm 2024 và cuối cùng là câu chuyện được FTSE Russell nâng hạng thị trường từ Cận biên (Frontier Market) lên Mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market).
Chuyên gia nhấn mạnh, có thể áp lực tỷ giá vẫn còn dư âm trong quý 1, nhưng đến quý 2 sẽ thuận lợi, nhờ đồng USD hạ nhiệt kéo theo thị trường trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại, trong bối cảnh câu chuyện nâng hạng rõ ràng hơn thì khối ngoại có thể trở lại. Qua đó, tâm lý dòng vốn nội cũng sẽ được cải thiện.
Với các yếu tố thuận lợi chiếm đa số, chuyên gia KBSV kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt 16 - 17%. Dù vậy, với nhiều biến số khó lường, P/E năm 2025 vẫn sẽ giữ nguyên, do đó mức tăng VN-Index cũng tương ứng mức tăng lợi nhuận doanh nghiệp, lên trên 1,450 điểm và có thể đạt mức cao nhất 1,500 điểm.
Bluechip đầu ngành tăng trưởng là lựa chọn an toàn
Với động lực chính vẫn là tăng trưởng kinh tế trong nước, chiến lược đầu tư đơn giản là tìm cổ phiếu được hưởng lợi rõ ràng nhất từ môi trường kinh tế hồi phục, nhắm đến các Bluechip đầu ngành tăng trưởng sẽ là lựa chọn an toàn.
Với ngành ngân hàng vốn mang tính chu kỳ, các yếu tố chất lượng tài sản, thu nhập lãi, tăng trưởng tín dụng đều sẽ cải thiện trong môi trường kinh tế tốt. Kỳ vọng bức tranh 2025 của ngành sẽ tích cực hơn, trong bối cảnh định giá tương đối rẻ so với P/B lịch sử.
Ngành công nghệ thông tin định giá đã không còn rẻ, nhưng dư địa tăng trưởng còn rất lớn, liên quan đến các câu chuyện AI, hợp tác với Nvidia… Với mức tăng trưởng cao trong dài hạn, định giá hiện tại vẫn mang lại cơ hội đầu tư tích cực cho dài hạn.
Cuối cùng là ngành bán lẻ được kỳ vọng hưởng lợi từ sự hồi phục của tiêu dùng trong nước. Tiêu dùng trong nước năm 2024 không khả quan khi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng bên ngoài, thể hiện qua lĩnh vực xuất khẩu. Sang năm 2025, lĩnh vực tiêu dùng sẽ hồi phục đáng kể, qua đó giúp các doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng.
Nhà đầu tư vẫn có thể mua các cổ phiếu Penny, Midcap, nhưng phải thật sự hiểu doanh nghiệp, nắm bắt được khả năng có thể bứt phá, bởi đa số các doanh nghiệp nhỏ trong môi trường kinh tế tốt cũng sẽ bị “cá mập” cướp mất thị phần.
Huy Khải