Giảm 40%
Mới! 💥 Dùng ProPicks để xem chiến lược đã đánh bại S&P 500 tới 1,183%+Nhận ƯU ĐÃI 40%

Vụ án liên quan ông Tất Thành Cang: Các bị can đã tham ô hàng tỉ đồng như thế nào?

Ngày đăng 15:03 28/07/2021
Cập nhật 08:15 28/07/2021
Vụ án liên quan ông Tất Thành Cang: Các bị can đã tham ô hàng tỉ đồng như thế nào?

Vietstock - Vụ án liên quan ông Tất Thành Cang: Các bị can đã tham ô hàng tỉ đồng như thế nào?

Trong vụ án liên quan ông Tất Thành Cang, cơ quan điều tra vừa tiếp tục đề nghị truy tố 20 bị can, trong đó ông Nguyễn Văn Minh bị đề nghị truy tố tội 'tham ô tài sản'.

Trụ sở Công ty IPC. Ảnh: Độc Lập

Ngày 27.7, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC03) Công an TP.HCM (HM:HCM) hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn nhà nước); đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 20 bị can, trong đó ông Tất Thành Cang (nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy) bị đề nghị truy tố tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Ông Tề Trí Dũng. Ảnh: Kiều Phong

Gây thiệt hại cho Sadeco 1.103 tỉ đồng

Trong 19 bị can còn lại, có 7 bị can bị đề nghị truy tố 2 tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” gồm: Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Sabeco (HM:SAB)), Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc Sadeco), Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng Sadeco), Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy TP.HCM, đại diện vốn nhà nước tại Sadeco), Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Tân Thuận), Trần Đăng Linh (nguyên thành viên HĐQT Sadeco), Phạm Xuân Trung (nguyên thành viên HĐQT Công ty IPC). Bị can Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận, nguyên Trưởng ban Kiểm soát (BKS) Công ty Sadeco) bị đề nghị truy tố tội “tham ô tài sản”. 11 bị can khác nguyên là lãnh đạo Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Công ty IPC, Công ty Sadeco bị đề nghị truy tố về cùng tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Theo KLĐT bổ sung, ông Tất Thành Cang và các bị can có sai phạm trong việc phát hành 9 triệu cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần, gây thiệt hại cho Sadeco 1.103 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ông Tất Thành Cang chỉ quyết định đối với phần vốn của Văn phòng Thành ủy, chưa có tài liệu thể hiện ông Cang chỉ đạo đối với phần vốn còn lại, do đó về trách nhiệm dân sự, ông Cang phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với phần vốn sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại Sadeco (16,7%) là hơn 184,2 tỉ đồng.

Ông Tất Thành Cang tại cơ quan điều tra. Ảnh: Thanh Tuyền

Chiếm đoạt tiền thù lao, khen thưởng

Ngoài hành vi sai phạm liên quan phát hành 9 triệu cổ phần nêu trêu, KLĐT bổ sung còn thể hiện Tề Trí Dũng và một số bị can có hành vi “tham ô tài sản” qua việc chi tiền thù lao, quỹ khen thưởng.

Theo KLĐT, từ tháng 12.2017, HĐQT Công ty Sadeco gồm 9 thành viên, trong đó có 5 thành viên đại diện cổ đông nhà nước, gồm: Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và Phạm Xuân Trung (đại diện vốn IPC), Huỳnh Phước Long (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (đại diện vốn Công ty Tân Thuận); Nguyễn Văn Minh (đại diện vốn không chuyên trách của Sadeco).

Trước đó, ngày 11.1.2021, PC03 hoàn tất KLĐT, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và 18 bị can khác về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “tham ô tài sản”.

Tháng 3.2021, Viện KSND trả hồ sơ, đề nghị Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định lại thiệt hại trong vụ án; làm rõ vai trò đồng phạm của Công ty CP đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) trong vụ án đối với việc mua 9 triệu cổ phần của Sadeco.

Tháng 5.2021, CQĐT có KLĐT bổ sung, căn cứ kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá TP nhằm xác định lại thiệt hại của vụ án từ 940 tỉ đồng lên 1.103 tỉ đồng.

Sau đó, Viện KSND TP trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung liên quan các nội dung nhận tiền thù lao, tiền thưởng tại Sadeco và xác định chính xác trách nhiệm của từng bị can đối với thất thoát tài sản nhà nước ở nhóm hành vi phát hành 9 triệu cổ phần của Sadeco.

Tháng 6.2021, PC03 đã ra quyết định khởi tố thêm 6 người nguyên là thành viên HĐQT, Trưởng ban Kiểm soát và Kế toán trưởng Sadeco về tội “tham ô tài sản” và đến nay ra KLĐT bổ sung.

Trong số này, chỉ có Hồ Thị Thanh Phúc là thành viên HĐQT chuyên trách, được hưởng các khoản thù lao, tiền lương, tiền thưởng do Sadeco chi trả. Các cá nhân còn lại đều là thành viên HĐQT không chuyên trách, khi nhận thù lao, tiền thưởng phải nộp về đơn vị cử đại diện vốn là IPC và Văn phòng Thành ủy.

Từ tháng 1.2017 - 2.2018, Tề Trí Dũng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT Sadeco, với sự giúp sức của Hồ Thị Thanh Phúc và các cá nhân liên quan để tham ô, chiếm đoạt hơn 2,2 tỉ đồng từ nguồn thù lao, quỹ khen thưởng HĐQT, BKS của Sadeco nhằm sử dụng cá nhân, không nộp lại IPC, Văn phòng Thành ủy.

Cụ thể, năm 2016, Tề Trí Dũng duyệt chi dưới danh nghĩa chi kinh phí hoạt động để chiếm đoạt hơn 990 triệu đồng. Trong đó, Hồ Thị Thanh Phúc được chi khoảng 169 triệu đồng (thực tế Phúc chỉ được hưởng hơn 8 triệu đồng, số còn lại Tề Trí Dũng và Phạm Xuân Trung nhận), Tề Trí Dũng nhận thêm hơn 96,6 triệu đồng, Nguyễn Văn Minh nhận 106 triệu đồng, Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện mỗi người được nhận hơn 96,6 triệu đồng...

Nguồn thù lao năm 2017 được Tề Trí Dũng duyệt chi sai quy định hơn 1,2 tỉ đồng. Trong đó, Hồ Thị Thanh Phúc được chi hơn 427 triệu đồng (thực tế Phúc chỉ hưởng hơn 106 triệu đồng, số còn lại là của Tề Trí Dũng), Phạm Xuân Trung được chi khoảng 26,7 triệu đồng, Trần Đăng Linh được chi hơn 80 triệu đồng. Đối với hơn 213,7 triệu đồng của Tề Trí Dũng, được Trần Mạnh Khôi (Phó BKS Sadeco) ký nhận thay, sau đó giao lại trực tiếp cho Dũng; Nguyễn Văn Minh được chi hơn 58,7 triệu đồng; Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện mỗi người được chi hơn 106,8 triệu đồng bằng chuyển khoản vào tài khoản cá nhân.

Đối với hành vi sử dụng nguồn tiền quỹ khen thưởng của Sadeco, KLĐT bổ sung thể hiện từ năm 2017, Tề Trí Dũng đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT tổ chức họp và thông qua chủ trương của HĐQT sử dụng nguồn tiền quỹ khen thưởng HĐQT, BKS còn tồn năm 2016 nêu trên và toàn bộ quỹ khen thưởng HĐQT, BKS năm 2017, 2018 làm nguồn kinh phí hoạt động của HĐQT, BKS; thực chất là để hợp thức hóa việc sử dụng nguồn tiền này cho các nhu cầu cá nhân của mình và các thành viên HĐQT mà không phải nộp về cho Công ty IPC và Văn phòng Thành ủy.

Tổng cộng cả 2 khoản tiền thù lao và tiền thưởng, Tề Trí Dũng nhận hơn 1,7 tỉ đồng, Phạm Xuân Trung nhận hơn 302 triệu đồng, Trần Đăng Linh nhận hơn 488 triệu đồng, Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện mỗi người nhận hơn 868 triệu đồng, Nguyễn Văn Minh nhận hơn 419 triệu đồng.

Tháng 3.2018, Tề Trí Dũng chỉ đạo Đỗ Công Hiệp, Kế toán trưởng Công ty Sadeco, và Hồ Thị Thanh Phúc tiêu hủy các chứng từ chi thù lao, tiền thưởng các cá nhân đã nhận trước đây và ký hợp thức hóa các bảng kê duyệt chi, phiếu chi với nội dung chi “kinh phí hoạt động HĐQT và BKS....”, thay cho các chứng từ chi thù lao, tiền thưởng trước đó.

Kết quả điều tra đủ căn cứ xác định Tề Trí Dũng đã chỉ đạo hợp thức hóa việc chi tiền thù lao, khen thưởng cho bản thân và các thành viên HĐQT, BKS Công ty Sadeco không chuyên trách để che giấu hành vi chiếm đoạt và thể hiện mục đích chiếm đoạt đến cùng số tiền đã nhận. Tổng số tiền các cá nhân là thành viên HĐQT và BKS không chuyên trách chiếm hưởng hơn 4,7 tỉ đồng.

Cũng theo KLĐT bổ sung, đối với các khoản tiền nhận từ nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng của Công ty Sadeco nói trên, từ ngày 16.8.2018 -24.12.2018, các cá nhân liên quan đã nộp lại cho Sadeco.

Bích Ngân

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.