Vietstock - Vốn FDI từ Nhật sẽ tăng tốc
Đầu tư từ Nhật vào Việt Nam có thể sẽ tăng tốc sau chuyến đi thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến Việt Nam.
Nhà đầu tư Nhật theo chuỗi cung ứng cũng có nhiều điều hay đáng học hỏi. Ảnh: PHẠM HÙNG
|
Nhật Bản đang đứng thứ 2 trong 136 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, tính lũy kế đến hết tháng 9, Nhật Bản có 4.595 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 59,87 tỷ USD. Riêng trong 9 tháng của năm nay, có 209 dự án đầu tư mới của Nhật Bản, 100 dự án tăng vốn và 448 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 1,73 tỷ USD.
Tăng mạnh
Không chỉ có những cái tên lớn quá quen thuộc như Honda, Toyota, Sony, Panasonic... với áp lực phải đa dạng chuỗi cung ứng, các nhà đầu tư đến từ xứ sở hoa anh đào đang đẩy mạnh mở rộng đầu tư, gần 450 lượt góp vốn, mua bán sáp nhập (M&A) ngay trong những tháng đại dịch bùng phát trên toàn cầu. Cụ thể, có gần 20 dự án M&A được công bố. Trong đó có những dự án lớn như Tập đoàn Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% giai đoạn II dự án Grand Park của Vingroup (HM:VIC), Công ty dược phẩm ASKA mua 25% cổ phần của Công ty dược Hà Tây, Tập đoàn Haseko mua 36% cổ phần Công ty xây dựng Ecoba...
Một chuyên gia tư vấn đầu tư Nhật vào Việt Nam cho hay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên nhiều thương vụ M&A buộc phải tạm dừng lại trong năm 2020 nhưng chắc chắn sẽ được khởi động theo chiều hướng khác trong năm tới. Một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện từ đầu mùa dịch cho thấy, gần 64% doanh nghiệp (DN) Nhật đang kinh doanh tại Việt Nam cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN. Kế đó, cuối tháng 7 vừa qua, thông tin về chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của DN Nhật Bản được Chính phủ Nhật hỗ trợ, JETRO cũng cho biết có 15 DN Nhật đăng ký đầu tư sang Việt Nam. Chương trình này dự kiến kết thúc vào tháng 3.2025.
Ngày 19.10, trao đổi với chúng tôi, ông Kanayama Jun, Trưởng văn phòng đại diện Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản) tại Việt Nam, nhận xét chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam rất thành công. Chi phí đầu tư tại Việt Nam khá tốt. Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng vì cùng nước châu Á. Song văn hóa, phong tục và môi trường trưởng thành của người dân hai quốc gia có nhiều khác biệt. Thế nên, muốn làm việc cùng nhau để hướng đến sự thành công thì cả hai phải có cách tiếp cận với nhau tốt nhất để cùng phát triển.
Tập đoàn Aureole Group thuộc Mitani Sangyo bắt đầu hoạt động đầu tư, kinh doanh tại TP.HCM (HM:HCM) từ năm 1994. 26 năm qua, Aureole đã phát triển 7 công ty con tại Việt Nam với 16 cơ sở trên toàn quốc và có khoảng 2.400 nhân viên. Hiện DN này đang sản xuất kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng, hóa chất, linh kiện ép nhựa dùng cho xe ô tô... Ông Kanayama Jun nói, việc rời khỏi Trung Quốc của một số DN Nhật sang Việt Nam thật ra không phải do “ghét” Trung Quốc mà đó là sự đầu tư tiếp nối của các DN thế hệ sau và họ rời Trung Quốc cũng như rời Nhật sang Việt Nam. Nước Nhật nay dân số già, họ phải chuyển kinh doanh ra nước ngoài, nơi có lực lượng lao động trẻ năng động để tiếp tục phát triển mở rộng...
Phải khéo léo, tỉ mỉ hơn
Thực tế, không chỉ đón dòng vốn đầu tư Nhật Bản được dịch chuyển từ Trung Quốc, như những gì ông Kanayama Jun chia sẻ ở trên, Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư truyền thống nhiều hơn nữa. Bộ KH-ĐT trong báo cáo về thu hút đầu tư nước ngoài, đề cập đến nhà đầu tư Nhật Bản đã dẫn một con số đáng lưu ý. Đó là hơn 56% DN Nhật Bản có chủ trương đầu tư ra nước ngoài trong 3 năm tới. Trong đó, hơn 41% chọn Việt Nam, sau đó mới chọn Indonesia, Thái Lan...
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, nhận định không chờ đến chuyến đi của Thủ tướng Nhật đến thăm Việt Nam chính thức hôm qua 19.10, trước đó, nhiều nhà đầu tư Nhật đã xếp Việt Nam vào hàng ưu tiên trong chiến lược mở rộng đầu tư nước ngoài của họ. "Với chuyến đi này của ngài Thủ tướng Nhật Bản, tôi nghĩ dòng vốn từ Nhật vào Việt Nam sẽ tăng tốt, rất tốt nữa là đằng khác. Việt Nam đã có nhiều chuẩn bị cho chính sách mời gọi thu hút vốn ngoại nhưng nên chú trọng việc thu hút chuỗi hệ thống sản xuất thế nào để có lợi cho Việt Nam. Những công ty đi theo các tập đoàn nếu sản xuất và làm sản phẩm mà Việt Nam chưa làm, nên ưu tiên thu hút. Cách dọn tổ để đón vốn Nhật phải có chiến lược tỉ mỉ, chi tiết và khéo léo hơn. Thứ hai, M&A của Nhật hay bất kỳ nhà đầu tư ngoại nào vào Việt Nam là hình thức rút ngắn thời gian tham gia vào thị trường. Thế nên, thu hút vốn M&A cũng cần nâng lên đặt xuống xem DN Việt được gì, nâng tầm lên đến đâu và DN ngoại được gì...", ông Robert Trần nói.
Nguyên Nga