Đây là 518 bộ khuôn dập xe ô tô 5 chỗ, 8 chỗ và xe tải của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki. Đơn vị quản lý tài sản của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HM:CTG) (Vietinbank AMC) thông báo kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản – là 518 bộ khuôn dập xe ô tô 5 chỗ, 8 chỗ và xe tải của CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki. Giá khởi điểm 8.767 tỷ đồng.
Kết quả lựa chọn, Công ty đấu giá Hợp Danh Trần Gia được chọn.
Nói về CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki – doanh nghiệp bắt đầu từ nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng ô tô. Tháng 4/2004 Xuân Kiên được Thủ tướng Chính phủ cấp giấy phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại với tên gọi Nhà máy ô tô Xuân Kiên. Dự án được xây dựng trên lô đất diện tích 200.000m2 gồm 3 nhà máy, tại Đông Anh, Hà Nội và Mê Linh, Hà Nội. Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 khánh thành vào tháng 9/2005 và giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2008.
Tổng công suất thiết kế cho cả 2 giai đoạn là 30.000 xe/năm, gồm 16 loại xe có tải trọng từ 780 đến 5.000 kg; các xe bán tải, xe khách từ 24-25 chỗ ngồi, xe bé từ 7-16 chỗ ngồi và các xe cá nhân.
Câu chuyện của Vinaxuki khá dài. Chia sẻ của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT của Vinaxuki cho biết giai đoạn đầu 2006 đến 2009 - thời hoàng kim - công ty đã thu hồi xong vốn đầu tư của giai đoạn 1 về lắp ráp xe tải để bán ra thị trường và bắt đầu nghiên cứu để sản xuất xe con.
Bắt nguồn từ giấc mơ sản xuất xe Việt Nam với tỷ lệ nội địa hoá cao của vị Chủ tịch HĐQT công ty, từ năm 2010, hơn 900 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích lũy được Vinaxuki rót vào luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot...
Tuy vậy khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2010-2012 làm cho thị trường tiêu thụ xe tải chậm lại, lãi giảm khiến công ty thua lỗ. Mảng xe tải là nguồn lợi nhuận chính của công ty cũng thua lỗ nặng nề, dẫn đến kinh phí cho các nghiên cứu, sản xuất xe con có tỷ lệ nội địa hoá cao ngày càng eo hẹp. Thời điểm đó công ty đang chạy thử nghiệm một số loại xe con có tỷ lệ nội địa đến 40-50%.
Thế nhưng gánh nặng nợ nần, áp lực tái cơ cấu vốn và việc các ngân hàng ngừng cho vay khiến công ty đứt gãy nguồn vốn lưu động. Năm 2015 các nhà máy tại Mê Linh, Thái Nguyên và Thanh Hoá phải đóng cửa, giấc mơ xe nội địa “made in Việt Nam” vẫn còn dang dở.
Không những giấc mơ về xe dang dở, Vinaxuki còn gánh khoản nợ khổng lồ tại các ngân hàng. Các tài sản bị các ngân hàng thanh lý xử lý nợ đọng. Số tài sản đợt này Vietinbank đưa ra đấu giá cũng là một trong số các tài sản thế chấp của Vinaxuki bị ngân hàng thu hồi xử lý công nợ.