Vietstock - Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 USD
Mục tiêu phát triển đến năm 2025 gồm bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
* GDP quý 3/2020 của Việt Nam tăng 2.62%
* Các hiệp định thương mại giúp Việt Nam tăng hơn 300% GDP
Sản xuất tại Công ty TNHH Green Energy Technology Việt Nam, trong khu công nghiệp VSip, Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
|
Tăng trưởng GDP 6,5-7%, tiếp tục trong nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người từ 2.750 USD hiện nay lên 5.000 USD trong 5 năm tới.
Đó là những mục tiêu được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn về những nội dung đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025 vào chiều 29/9, tại Hà Nội.
Tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra
Tại buổi làm việc, một trong những nội dung chính được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo là đánh giá tổng quát việc thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến mục tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi sau những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế khu vực và toàn cầu.
Đây cũng là thời kỳ mà thế giới thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường với nhiều yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen.
Đặc biệt, năm 2020 chứng kiến đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử, đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng, làm cho kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, dự báo hậu quả còn kéo dài trong nhiều năm.
Trong nước, tiếp tục thực hiện công cuộc phát triển, đổi mới toàn diện. Sau gần 35 năm đổi mới, kinh tế vĩ mô dần ổn định, tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên.
Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài gia tăng do cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi độ mở của nền kinh tế nước ta cao, sức chống chịu còn hạn chế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, mặc dù, còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố bất định, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Qua đánh giá sơ bộ 18/21 chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 (hiện nay chưa có thông tin, số liệu của 3 chỉ tiêu, gồm bội chi ngân sách nhà nước so với GDP, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân và tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đến năm cuối kỳ), có 14 chỉ tiêu đạt và vượt; 4 chỉ tiêu không đạt mục tiêu (gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị).
Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Kết quả phát triển kinh tế-xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững; tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực.
Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có những bứt phá lớn. Mô hình tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài, chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước.
“Chênh lệch giàu-nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội một số mặt còn hạn chế, bất cập. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp…,” Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải lưu ý, ngoài những nội dung về tăng trưởng kinh tế, trong đầu tư công vẫn còn tư duy "xếp hàng," bố trí vốn dàn trải, thiếu vốn dẫn đến công trình chậm khánh thành, hiệu quả không cao.
Theo ông Hải, đầu tư vẫn thiếu đồng bộ, còn tình trạng có cầu mà thiếu đường kết nối, có đường điện cao thế nhưng thiếu đường điện hạ thế... Lại có tình trạng có vốn nhưng không giải ngân được do triển khai chậm, vướng mắc thủ tục, vướng mắc giải phóng mặt bằng...
Cần đổi mới, không còn cách nào khác!
Mặc dù, còn nhiều khó khăn cho các mục tiêu cho giai đoạn tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đã nêu một số mục tiêu dự kiến chủ yếu trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2025 gồm bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Để đạt được những mục tiêu trên, với tinh thần chung về cải cách và đổi mới rất mạnh mẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chắc chắn chúng ta phải đi theo con đường đó, không còn cách nào khác."
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phải đổi mới chúng ta mới tồn tại, mới phát triển. Theo đó, Bộ sẽ tập trung vào những vấn đề lớn; xây dựng chiến lược, quy hoạch lại tất cả theo Luật Quy hoạch, từ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; xây dựng các mô hình kinh tế mới; xây dựng các cơ chế chính sách mới…; đồng thời tập trung vào giải quyết các vấn đề tồn tại để huy động nguồn lực.
“Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tập trung bám sát chỉ đạo đối với nguồn ngân sách Trung ương; xử lý những vấn đề nợ đọng, vốn đối ứng cho ODA, những dự án chuyển tiếp và tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án còn tồn đọng; hạn chế tối đa khởi công mới; đồng thời, giải quyết căn cơ những tồn tại, hạn chế… Sau này, chúng ta sẽ có bức tranh sạch về đầu tư công,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm nổi bật những kết quả của nền kinh tế đạt được trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ cần nỗ lực hơn trong việc cải cách thể chế để có được hệ thống chính sách hiệu quả, minh bạch. Cùng với đó, ông Thanh mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ những vấn đề phân cấp về thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, giai đoạn 2021-2025 sẽ rất khác giai đoạn trước; đặc biệt, năm 2021 sẽ rất khó khăn và đại dịch COVID-19 chưa thể dừng lại trước tháng 6/2021.
Thế giới chưa thể trở lại trạng thái bình thường; dự báo năm 2023 mới có thể trở lại trạng thái bình thường. Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng kế hoạch nguồn vốn ngân sách và Bộ cần thắt chặt kế hoạch trong 5 năm tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xử lý dứt điểm những điểm nghẽn về thể chế để giải phóng những dự án chậm tiến độ đối với các dự án điện, hàng không, đường sắt và 11 công trình tuyến cao tốc Bắc Nam…
“Hãy làm tốt những cái cũ rồi hãy làm cái mới. Bên cạnh đó, cần có tư duy để giải phóng sản xuất, đồng thời khẩn trương xem xét lại quy hoạch các cấp: quốc gia, vùng, tỉnh,” ông Hiển nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chuẩn bị tốt cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để Quốc hội cho ý kiến. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần tập trung cho các dự án dở dang đi vào hoạt động; bố trí đủ vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia (như cao tốc Bắc-Nam); bố trí đủ vốn cho giai đoạn này; đồng thời đảm bảo các dự án trọng điểm quốc gia, đó là giảm nghèo, vùng dân tộc thiểu số, chương trình mục tiêu quốc gia…
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách cũng cho biết, qua làm việc với các bộ, ngành, địa phương về nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 thì đề xuất gấp đôi, gấp ba giai đoạn trước. "Như vậy, nhu cầu vượt rất xa khả năng cân đối vốn. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có những kế hoạch rất cụ thể.”
Để đạt được các mục tiêu kinh tế chủ yếu, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số; đẩy mạnh phát triển vùng và liên kết các vùng, phát triển khu kinh tế; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và đổi mới mạnh mẽ phát triển đô thị, gắn phát triển đô thị và nông thôn; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.../.
Thúy Hiền