Vietstock - Việt Nam cần thu hút được nguồn FDI phù hợp
Tại Diễn đàn “Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020” được tổ chức sáng ngày 29/09/2020, đa phần chuyên gia cho rằng để nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần tìm cách thu hút nguồn FDI phù hợp, chuyển FDI sang các ngành có tiềm năng tốt hơn.
TS. Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương – Ngân hàng Thế giới cho biết đại dịch Covid-19 gây ra cú sốc chưa từng có trong cung, cầu với tác động lan tỏa xuyên biên giới cho ngành lữ hành, thương mại, hàng hóa, niềm tin của nhà đầu tư,… Những điều này ảnh hưởng lớn đến các trung tâm lớn về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuỗi giá trị toàn cầu.
Những quốc gia bị nhiễm Covid-19 nhiều nhất cũng là những nút quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Ước tính sơ bộ cho thấy suy thoái toàn cầu sẽ sâu hơn, FDI toàn cầu và thương mại hàng hóa dịch vụ sẽ cần thời gian để phục hồi.
Covid-19 tạo ra những phản ứng ngược rất mạnh với một số quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới, thông qua tăng trưởng, thương mại, năng suất, bảo hộ thương mại… ảnh hưởng đến mạng lưới sản xuất.
GDP toàn cầu có thể giảm 5.2% trong năm 2020
Covid-19 làm gia tăng xu thế đang chậm lại hiện hành về tăng trưởng, thương mại, năng suất. Tác động đối với sản lượng thương mại toàn cầu được dự báo tồi tệ nhất trong mọi thập kỷ. Dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 5.2% trong năm 2020, đây là mức giảm sâu nhất trong 8 thập kỷ. Trong 14 đợt suy thoái toàn cầu trong 150 năm qua, đợt suy thoái này đứng thứ 4 về độ sâu, sau 2 cuộc chiến tranh thế giới và cuộc đại suy thoái 1930-1932.
Ước tính thương mại hàng hóa thế giới có thể giảm từ 13-32% vào năm 2020, tùy thuộc vào kịch bản lạc quan hay bi quan. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người dự kiến giảm 93% ở các quốc gia, đây cũng là mức giảm lớn nhất trong 1.5 thế kỷ.
Từ nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy có sự tháo chạy ồ ạt của sự bảo toàn vốn, gây ra sụt giảm đột ngột trong định giá tài sản, tăng mức biến động của thị trường tài chính toàn thế giới. Các dòng tài chính tư nhân bên ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển có thể giảm 700 tỷ USD vào năm 2020, so với mức năm 2019. Điều này vượt đến 60% tác động tức thì của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Ước tính dòng tiền đầu tự trực tiếp nước ngoài vào các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển sẽ giảm 21.4% vào năm 2020-2021. FDI tới các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể suy giảm từ 5.2% ở châu Phi khu vực cận Sahara và 36% ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Đại dịch cũng làm trầm trọng hơn xu hướng chủ nghĩa bảo hộ hiện hành. Theo số liệu của ICAO, số lượng hành khách bay vào tháng 4/2020 chưa bằng 1/7 cùng kỳ năm trước, cho thấy mức độ tác động của đại dịch này, điều này làm gia tăng chi phí giao dịch thương mại toàn cầu, do chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, làm người ta quan tâm nhiều hơn đến kinh tế trong nước.
Đại dịch cũng gây xáo trộn, đứt gãy mạng lưới sản xuất toàn cầu ở quy mô chưa từng có. Việc giảm đột ngột dòng dịch chuyển vốn, hàng hóa, nhân lực làm đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản… những nước tạo nên phần chính mạng lưới sản xuất toàn cầu, với tư cách là điểm nút trong mạng lưới, cho thấy mức đóng góp của các quốc gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Những quốc gia này đều bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch.
Tuy nhiên, đại dịch cũng đem lại những cơ hội mới như: Ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy nhanh cải cách.
Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng vẫn còn đi sau so với nhiều nước trong khu vực
Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20.4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, và xếp thứ 55 trong tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84.8 tỷ USD, xếp thứ 34.
Mức độ Việt Nam tham gia các công đoạn tinh xảo của chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Theo Báo cáo phát triển thế giới vào năm 2020, Việt Nam tham gia chế biến chế tạo còn hạn chế, chưa nói đến công đoạn tinh xảo. Do vậy, Việt Nam cần tham gia các lĩnh vực có cấp độ tiên tiến hơn là chế biến chế tạo và dịch vụ. Ước tính 1% tăng lên trong mức độ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ góp phần tăng hơn 1% thu nhập bình quân đầu người. Như vậy, việc tăng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ góp phần tăng năng suất và phát triển thương mại của Việt Nam.
Làm sao để Việt Nam nắm bắt cơ hội trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Trong và trung hạn, Việt Nam cần tăng triển vọng phục hồi, đa dạng hóa công ty đa quốc gia, tăng triển vọng phục hồi các cơ sở sản xuất thay thế. Cần kiểm soát tốt dịch bệnh và củng cố các hoạt động thúc đẩy nhanh việc phục hồi, nới lỏng các hạn chế đối với dòng vốn FDI vào lĩnh vực vực kinh doanh FDI.
Cũng tại buổi Diễn đàn, TS. Jonathan Pincus – Chuyên gia kinh tế - Cố vấn quốc tế cao cấp chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết theo thống kê của UNCTAD, FDI có thể giảm 40% trong năm 2020 và 5-10% trong năm 2021.
Một xu hướng khác ở FDI nhưng có lợi cho Việt Nam, đó là FDI ngày càng có mức tập trung cao hơn. Năm 2019, Việt Nam là nước lớn thứ 7 nhận FDI từ những nước phát triển, sau Trung Quốc, Brazil, Indonesia…
Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia (MNE) đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu chi phí thấp do tiền lương ở Trung Quốc tăng lên và tranh chấp thương mại với Mỹ gia tăng.
Thách thức đối với chế độ thương mại đa phương sẽ có lợi cho FDI trong khu vực. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại và đầu tư song phương/đa phương là điểm hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng.
Thách thức hiện nay không phải làm sao thu hút thêm số lượng FDI, mà quan trọng là làm sao thu hút được nguồn FDI phù hợp, chuyển FDI sang các ngành có tiềm năng tốt hơn.
Như vậy, Việt Nam cần tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong nước trong việc thu được giá trị gia tăng với cả doanh nghiệp xuất khẩu có vốn FDI và không có vốn FDI.
Thêm vào đó, cần tập trung đầu tư hạ tầng, đảm bảo không phân tán nguồn lực đầu tư, giúp thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động.
Khuyến khích hợp tác với các đối tác trong khu vực, tăng cường mối quan hệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, làm sao để khuyến khích khu vực tư nhân tăng trưởng quy mô lớn hơn trong công nghệ.
Hàn Đông