Vietstock - Vì sao lãi suất vay chưa giảm?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố giảm lãi suất điều hành và trần lãi tiền gửi lần thứ 3 trong năm 2020, áp dụng từ ngày 1-10. Theo đó, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống còn 4%/năm; đồng thời yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên xuống 4,5%/năm.
Lãi suất vay chưa hấp dẫn doanh nghiệp
Động thái liên tục giảm lãi suất điều hành cùng với việc đề xuất sửa đổi Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay cho doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng của Covid-19 cho thấy, NHNN đang áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc để thúc đẩy hỗ trợ DN, tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua dù lãi suất vay đầu ra đã giảm khá nhiều nhưng cầu tín dụng vẫn tăng thấp. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng chỉ ở mức 6,09%, thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi huy động vốn tăng 7,7%.
Giao dịch tại Ngân hàng BIDV (HM:BID). Ảnh: CAO THĂNG
|
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng, lãi suất huy động dưới 6 tháng xuống dưới 4% và cao nhất ở mức 7,2%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay đang ở mức 5%-8%/năm cho vay ngắn hạn và 8%-11%/năm cho vay trung - dài hạn (phải có tài sản thế chấp). Riêng lãi suất ngắn hạn và các gói cho vay ưu đãi 5%-6%/năm được nhiều DN phản ánh điều kiện cho vay quá khắt khe, khó tiếp cận. Các DN kiến nghị, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ nên ở mức +2%-3% so với lãi huy động, tức quanh mức 6%-7%/năm. Một số DN và hiệp hội ngành nghề đã đề xuất cho vay vốn với lãi suất 0% nhằm giúp DN vượt qua mùa dịch.
Vì sao chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra chưa được như kỳ vọng của cộng đồng DN dù ngân hàng đang thừa vốn? Lãnh đạo một ngân hàng trong nhóm “Big 4” (4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước là Vietcombank (HM:VCB), VietinBank, Agribank và BIDV) nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp có một phần do ngân hàng ngại cho vay trong bối cảnh dịch Covid-19, rủi ro khó lường, tiềm ẩn gia tăng nợ xấu rất cao.
“Chúng tôi vẫn đang cho các DN tốt, khách hàng lâu năm vay trung và dài hạn với mức lãi suất 5%-6%/năm. Trong khi đó, một số DN khác tha thiết vay và chấp nhận với lãi suất 11%-12%/năm nhưng ngân hàng e ngại. Dù rất muốn đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng không phải hồ sơ vay nào cũng được giải ngân, chúng tôi ưu tiên những DN hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo có khả năng trả nợ”, vị này cho hay.
Báo cáo phân tích lợi nhuận ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cũng cho biết, việc hỗ trợ DN giãn, hoãn nợ đã ảnh hưởng đến chỉ số NIM (biên độ lãi ròng) bình quân của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, chỉ còn 3,2% (giảm khoảng 0,4% so với cuối năm 2019). Ước tính chỉ số NIM của hệ thống ngân hàng cuối năm 2020 sẽ giảm về khoảng 3%, nên dư địa giảm lãi suất cho vay còn rất ít.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nếu áp dụng lãi suất 0% cho một số DN đặc thù thì Chính phủ phải tài trợ lãi suất này, vì thực tế chỉ có ngân hàng Trung ương mới có chính sách lãi suất 0%. Các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể cho vay hỗ trợ DN ở mức 2%-3%/năm với điều kiện được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, nhưng trong bối cảnh hiện nay, giải pháp này không được đánh giá cao. Thay vào đó, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc cho gói hỗ trợ kinh tế được hiệu quả hơn.
Nợ xấu tăng
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 chủ yếu phụ thuộc vào nhóm “Big 4”. Nhìn vào bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm cho thấy, 3/4 NHTM “Big 4” đều giảm trong khi nợ xấu tăng mạnh.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank giảm gần 3% so với cùng kỳ 2019, ở mức gần 11.000 tỷ đồng, nợ xấu tăng thêm 630 tỷ đồng, nâng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay lên 0,83% từ mức 0,79%. Lợi nhuận trước thuế của Agribank 6 tháng đầu năm giảm 13,2%, nợ xấu nội bảng của Agribank tăng 39% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của BIDV 6 tháng đầu năm giảm hơn 5% do tăng trưởng tín dụng thấp.
Giao dịch tại Ngân hàng BIDV. Ảnh: CAO THĂNG
|
VietinBank là trường hợp cá biệt khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng đột biến, gần 40% so với cùng kỳ, nhưng con số này không phản ánh hoạt động kinh doanh mà chủ yếu do giảm dự phòng rủi ro hơn 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng nhưng cuối quý 2-2020, tổng giá trị nợ xấu của VietinBank cũng tăng 50% so với cuối năm 2019.
Không chỉ các NHTM lớn, nhóm NHTM nhỏ như Bắc Á bank có lợi nhuận trước thuế 353 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Kienlongbank lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm giảm 31%; Eximbank (HM:EIB) giảm 28%...
Thực tế thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các DN nên ngành ngân hàng ban hành các chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ. Điều này tác động đến tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của các ngân hàng trong 2 quý đầu năm. Tín dụng một số NHTM nhỏ vẫn chưa thoát được tăng trưởng âm, như Saigon Bank dư nợ cho vay khách hàng giảm gần 3%; SeABank giảm 1%; Eximbank giảm 9%...
Ngành ngân hàng đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong bối cảnh khó khăn chung, nguồn thu chính của các ngân hàng là hoạt động cho vay (chiếm hơn 70% tổng nguồn thu), NHTM nào cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, ồ ạt cho vay ra lúc này nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nguy cơ nợ xấu tăng cao, thì tình hình còn tệ hơn.
Báo cáo mới đây về tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, một hiệu ứng khi nới lỏng cho vay là một số ngân hàng kết quả kinh doanh kém đi do tỷ lệ nợ xấu trong danh mục tăng lên (trích lập dự phòng tăng kéo lợi nhuận giảm - PV). Theo WB, giữa năm 2020, khoảng 1/4 danh mục vốn vay của Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và một số có khả năng thành nợ xấu. NHNN cho biết, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (khoảng 30% tín dụng toàn hệ thống), tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng. |
Nhung Nguyễn