Vietstock - VDSC Research: Xuất nhập khẩu qua container bắt đầu phục hồi, ngành cảng biển khởi sắc
Nhìn vào tín hiệu khởi sắc từ số liệu vĩ mô, VDSC Research kỳ vọng triển vọng tích cực trong những tháng cuối năm của thông lượng container tại khu vực Cái Mép và TPHCM tiếp tục được duy trì. Bên cạnh đó, nhập khẩu khả quan hơn từ Trung Quốc trong thời gian tới dự kiến là động lực tăng trưởng cho các cảng tại khu vực Hải Phòng.
Xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển hồi phục cuối quý 3
Bộ phận phân tích thuộc CTCK Rồng Việt (VDSC Research) cho biết, xuất khẩu hàng hóa qua container bằng đường biển tiếp tục phục hồi rõ nét hơn trong nửa đầu tháng 9.
Theo VDSC Research, động lực cho xuất khẩu thời gian qua đến từ sự tăng trưởng đột biến của các mặt hàng máy móc, máy vi tính và linh kiện với điểm đến chủ yếu là thị trường Mỹ, “xu hướng mà chúng tôi cho rằng Việt Nam đã được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu ở các nhóm hàng nguyên vật liệu cũng bắt đầu tăng tốc từ đầu tháng 9 để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cuối năm.
Các nhóm hàng hóa: (1) máy móc, thiết bị; (2) máy vi tính, linh kiện điện tử và (3) sản phẩm gỗ là động lực chính cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu quý 3/2020, đóng góp khoảng 30% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. VDSC Research ước tính giá trị xuất khẩu bằng đường biển của những hàng hóa kể trên từ đầu năm đến nửa đầu tháng 9/2020 tăng trưởng lần lượt 33%, 21% và 13% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói là giá trị xuất khẩu qua Mỹ của những hàng hóa này tăng đột biến trong năm nay: Máy móc, thiết bị tăng 109%; máy vi tính, linh kiện điện tử tăng 83%; sản phẩm từ gỗ tăng 26% lũy kế 8 tháng đầu 2020. Trong khi nhu cầu làm việc/học tập tại nhà tăng mạnh trong mùa dịch phần nào lý giải cho tăng trưởng của xuất khẩu máy vi tính, đồ điện tử, VDSC Research cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam ở những mặt hàng còn lại phần lớn là nhờ hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung.
Ngoài ra, nhóm hàng thủy sản, phần lớn được vận chuyển bằng container lạnh, cũng có tín hiệu khởi sắc khi giá trị xuất khẩu bắt đầu tăng trưởng so cùng kỳ trong nửa đầu tháng 9/2020, cũng nhờ vào thị trường Mỹ.
Trong khi đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống của Việt Nam như hàng dệt may, giày dép (chiếm khoảng 17% tổng giá trị xuất khẩu) vẫn đang chịu ảnh hưởng từ Covid-10, khi giá trị xuất khẩu lũy kế từ đầu năm đến nay giảm lần lượt 11% và 9% so với cùng kỳ.
Về nhập khẩu, phần lớn nhóm hàng chính đều suy giảm so với năm trước, khi Covid-19 bùng phát kéo dài đến hết tháng 8.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và ước tính của VDSC Research, giá trị nhập khẩu của một số nhóm hàng tư liệu sản xuất được vận chuyển bằng container đường biển đã tăng trưởng so với cùng kỳ trong nửa đầu tháng 9, như chất dẻo, hóa chất và nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu vải đang phục hồi và chỉ giảm nhẹ so cùng kỳ. Trung Quốc, như thường lệ, vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam đối với những mặt hàng trên.
Tình hình sản lượng hàng hóa qua các cảng biển 8 tháng đầu 2020
Xu thế phục hồi trong hoạt động thương mại của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, đã dẫn dắt tăng trưởng tổng thông lượng hàng hóa của hệ thống cảng biển trên cả nước trong tháng 7 và 8, với mức tăng ước tính 10% và 16% so cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, tổng thông lượng container cả nước ước đạt 11.6 triệu TEU, tăng 5% so cùng kỳ.
Khu vực Cái Mép dẫn đầu về tăng trưởng với sản lượng lũy kế 8 tháng đạt 2.7 triệu TEU, tăng 19% so cùng kỳ. VDSC Research nhận định số liệu mạnh mẽ về xuất khẩu sang Mỹ đã giúp khu vực này, vốn có nhiều tuyến vận tải trực tiếp tới khu vực Bắc Mỹ, đạt được hiệu suất hoạt động cao trong năm nay bất chấp Covid-19.
Tại Hải Phòng, nơi có nhiều doanh nghiệp cảng biển niêm yết hoạt động, tổng thông lượng ước tính tăng trưởng 12% trong tháng 8, sau gần nửa năm suy giảm. Lũy kế 8 tháng, tổng sản lượng toàn thị trường Hải Phòng ước đạt 3.3 triệu TEU, giảm 1%. Đáng chú ý, sản lượng tại cảng VIP Green và Nam Đình Vũ tăng tương đối mạnh các tháng qua trong xu hướng hồi phục của thị trường. VDSC Research ước tính trong tháng 9, hai cảng này tiếp nhận thêm lần lượt 1 và 2 chuyến tàu trung bình mỗi tuần so với quý 2/2020. Điều này cho thấy tuyến dịch vụ mới đang được thiết lập.
Nhìn vào tín hiệu khởi sắc từ số liệu vĩ mô, VDSC Research kỳ vọng triển vọng tích cực trong những tháng cuối năm của thông lượng container tại khu vực Cái Mép và TPHCM tiếp tục được duy trì. Bên cạnh đó, nhập khẩu khả quan hơn từ Trung Quốc trong thời gian tới dự kiến là động lực tăng trưởng cho các cảng tại khu vực Hải Phòng.
Giá dịch vụ cảng biển được đề xuất tăng từ 2021
Trong dự thảo sửa đổi thông tư 54/2018/TT-BGTVT của Bộ GT-VT, giá tối thiểu cho các dịch vụ hoa tiêu hàng hải, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container và lai dắt tại cảng biển Việt Nam được đề xuất tăng theo lộ trình kể từ 2021-2023.
Lần tăng giá dịch vụ cảng biển gần nhất diễn ra vào đầu năm 2019. Dự thảo này khi được thông qua sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp cảng bù đắp được rủi ro bất ổn của sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trước các tác động của Covid-19.
Thừa Vân