Vietstock - Triển vọng và thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2022
Bài viết trên East Asia Forum cho rằng sản lượng năm nay sẽ tăng vọt khi các nhà máy và dịch vụ trở lại hoạt động. Hầu hết các dự báo cho rằng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 6-7%.
Công nhân sản xuất hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
|
Khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại, sản xuất của Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6-7%. Đây là dự báo trong bài viết đăng trên báo East Asia Forum.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, bài viết đánh giá 2021 là một năm đầy thách thức khi việc đóng cửa khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm còn 2,58%.
Việc tăng nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 sau đó đã tạo điều kiện cho các hoạt động bình thường hơn trong vài tháng cuối năm 2021.
GDP của Việt Nam đã giảm 6% trong quý 2 trước khi phục hồi trở lại vào quý 4/2021.
Bất chấp việc đóng cửa các nhà máy, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 19% vào năm 2021 lên mức là 336 tỷ USD, trong khi GDP chỉ đạt 271 tỷ USD vào năm 2020 và tăng nhẹ vào năm 2021. Mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không giảm nhiều.
Bài viết cho rằng sản lượng năm nay sẽ tăng vọt khi các nhà máy và dịch vụ trở lại hoạt động bình thường. Hầu hết các dự báo cho rằng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 6-7%.
Du lịch sẽ bắt đầu phục hồi từ mức giảm hơn 95% của năm 2019. Xuất khẩu sẽ tăng khoảng 15% và cán cân thương mại sẽ vẫn ở mức dương. Lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp và tiền VND (HM:VND) sẽ tiếp tục tăng giá nhẹ so với USD.
Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ ra rằng Việt Nam cần chú trọng về chất lượng của nguồn vốn FDI và nỗ lực hơn trong việc nâng cấp giáo dục và đào tạo. Tình trạng thiếu lao động có thể là một vấn đề đáng quan ngại hơn. Áp lực toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng cũng là một thách thức nữa.
Bên cạnh đó, hiệu ứng phụ của tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng của Việt Nam là sự tụt hậu về giá trị gia tăng trong nước về xuất khẩu.
Phần lớn công việc chỉ là lắp ráp đơn giản thay vì phát triển một mạng lưới dày đặc của các lĩnh vực công nghiệp sẽ khiến việc thu hút FDI trở nên "khó khăn hơn," khi lương tăng và nguồn cung lao động được thắt chặt.
Đại dịch COVID-19 đã làm chậm lại tiến triển trong lĩnh vực này vì ngày càng ít doanh nghiệp mới mở, trong khi nhiều doanh nghiệp tạm thời đóng cửa.
Nhiều công ty vẫn đang hoạt động kinh doanh yếu kém hơn và sẽ cần thời gian tích lũy nguồn lực để cải tiến máy móc, đào tạo và tiếp thị.
Khắc Hiếu