Vietstock - Tiền gửi thanh toán của người dân lần đầu vượt 1 triệu tỷ đồng
Tính đến cuối quý I/2022, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán ngân hàng của người dân đã vượt 1,040 triệu tỷ đồng, tăng hơn 40% chỉ sau một năm.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong 2 quý gần đây. Đặc biệt, chỉ tính riêng quý I năm nay, số dư này đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán của người dân vượt mốc 1 triệu tỷ. Thực tế, số dư tiền gửi này đã tăng liên tục từ quý I/2020 đến nay, tuy nhiên, mức tăng bình quân hàng quý trước đó chỉ dưới 10%.
Nếu so với quý I/2021, số dư tiền gửi này hiện đã cao hơn tới 40%, tương đương mức tăng ròng gần 300.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 năm. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp số dư tiền gửi thanh toán cá nhân kể trên ghi nhận tăng trưởng dương. Lần gần nhất số dư tiền này sụt giảm là quý I/2020 khi giảm từ 499.721 tỷ đồng cuối năm 2019 xuống còn 476.524 tỷ vào cuối tháng 3/2020. Từ đó đến nay, số dư tiền gửi thanh toán này đã tăng thêm hơn 564.250 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong khi số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán tăng mạnh, tốc độ tăng số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại các nhà băng lại có xu hướng chậm hơn.
Cụ thể, đến cuối tháng 3, toàn hệ thống ngân hàng có 118,645 triệu tài khoản thanh toán thuộc sở hữu của khách hàng cá nhân, tăng 3,454 triệu tài khoản so với quý liền trước, tương đương 3%. Nếu so với một năm trước, tốc độ tăng của chỉ tiêu này cũng mới đạt gần 14%, với khoảng 14,456 triệu tài khoản được mở mới.
Diễn biến kể trên cho thấy xu hướng người dân ngày càng để nhiều tiền hơn trong tài khoản thanh toán. Trong đó, quý I/2021, bình quân mỗi tài khoản thanh toán của người dân để khoảng 7,1 triệu đồng thì đến cuối quý I năm nay, số dư này đã tăng lên 8,8 triệu đồng.
Tài khoản thanh toán cá nhân ở đây là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ). Vì vậy, hơn 1 triệu tỷ đồng kể trên đều là các khoản tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất phổ biến chỉ 0,1-0,3%/năm.
Mức lãi suất này thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, hiện phổ biến ở mức 3,2-3,6%/năm với tiền gửi dưới 6 tháng; 5,1-5,9%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng; 5,4-6,5%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng và 6-6,7%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Dòng tiền của cá nhân đang chảy mạnh vào kênh ngân hàng. |
Không chỉ số dư tiền gửi thanh toán của người dân tăng lên, số dư tiền gửi có kỳ hạn của nhóm khách hàng này tại các ngân hàng cũng đã tăng nhanh trong quý đầu năm nay.
Cụ thể, tính riêng tháng 3, số dư tiền gửi ngân hàng của người dân đã tăng hơn 14.000 tỷ đồng, nâng tổng mức tăng trong 3 tháng đầu năm lên 174.000 tỷ, tương đương 3,28%. Hiện tổng số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt khoảng 5,47 triệu tỷ đồng.
Mức tăng này thậm chí còn cao hơn số tăng của cả năm 2021 trước đó với chỉ 3,08%, chưa bằng 1/5 so với mức tăng trưởng của số dư tiền gửi doanh nghiệp (15,73%).
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền gửi của người dân chảy mạnh vào kênh ngân hàng là do mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến nay. Nhiều nhà băng chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã có tới 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng phổ biến 1,5-2%/năm.
Bên cạnh đó, dòng tiền cá nhân chảy vào ngân hàng này cũng đến một phần từ dòng tiền bị rút ra khỏi kênh đầu tư chứng khoán.
Theo đó, trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm liên tục từ đầu năm, thanh khoản thị trường cũng ghi nhận xu hướng giảm mạnh khi chỉ trên 15.000 tỷ đồng trong tháng 5, thấp hơn gần 44% so với tháng 12/2021 và giảm hơn một nửa so với cao điểm thanh khoản thị trường tháng 11/2021.
Quang Thắng