Vietstock - Thuế thu nhập cá nhân tăng kỷ lục: Nhiều người đang “còng lưng” gánh thuế?
Trong bối cảnh thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, các chi phí, giá cả tăng cao, trong khi mức chịu thuế TNCN vẫn bất động, số thu từ thuế TNCN tăng cao kỷ lục đang trở thành nghịch lý, khiến nhiều người dân bức xúc.
Sống chật vật vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong cả giai đoạn 2012 - 2019 tăng 33,05%. Trong giai đoạn từ 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, mức CPI bình quân tăng 9,95%. Như vậy, trong vòng 10 năm (từ năm 2012 đến tháng 6/2022), CPI tăng 41,98%.
Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4,2 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020. Theo Tổng cục Thống kê, trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng nhưng do dịch COVID-19 nên thu nhập có xu hướng giảm dần. Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người/tháng chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình. Trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí (35,1%), học thêm (17,5%) và chi giáo dục khác (khoảng 26,6%).
Thuế TNCN nhằm đánh vào nhóm có thu nhập cao nhưng khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm 20% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân 9,1 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa: KT)
|
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhằm đánh vào nhóm có thu nhập cao nhưng khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm 20% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân 9,1 triệu đồng/tháng. Chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm này ở mức trên 4,6 triệu đồng, cao hơn mức giảm trừ gia cảnh.
Chị Lê Thị Hương (ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị thật sự lo lắng vì từ đầu năm đến nay, thu nhập của gia đình không tăng mà chi phí sinh hoạt lại tăng nhiều lần so với năm ngoái, trong khi tiền thuế thu nhập cá nhân của chị vẫn không được giảm đồng nào.
Chị dẫn chứng, hàng hóa phục vụ sinh hoạt ăn uống hàng ngày từ gạo, nước mắm, dầu ăn đến thực phẩm tươi sống (như thịt, trứng, cá, gà…) những tháng qua đã tăng hơn 10% kéo theo chi phí sinh hoạt tăng lên. Mỗi kg thịt, cá, gà tăng từ 5.000 đến 12.000 đồng/kg. Bó rau muống trước đây chỉ 5.000 - 7.000 đồng hay tăng lên 10.000 - 12.000 đồng, tăng 70%.
“Giá đủ loại hàng hóa tăng trong khi thu nhập của gia đình chị giữ nguyên nên mọi chi phí đều phải tiết giảm. Sau khi giảm trừ gia cảnh, thu nhập của vợ chồng tôi đóng thuế TNCN ở bậc 2, khoảng 10%. Tuy nhiên, giá hàng hóa từ lương thực, thực phẩm đến sản phẩm phục vụ cuộc sống liên tục tăng, khiến gia đình tôi phải co kéo”, chị Hương than thở.
Cùng tâm trạng, anh Trần Minh Đăng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, lương của anh ở mức 30 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh cho 2 con nhỏ, anh vẫn phải đóng thuế TNCN hàng tháng trước khi nhận lương. Vợ anh thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng nên chưa phải đóng thuế TNCN. Suốt hai năm qua, khoản tích lũy, dành dụm của gia đình anh gần bằng 0 vì tiền lương chỉ đủ chi tiêu hàng tháng cho gia đình.
“Như nhà tôi, mỗi tháng, nhà tôi phải trả góp ngân hàng 10 triệu đồng tiền mua nhà; tiền học cho hai con nhỏ 6 triệu đồng; tiền bỉm sữa khoảng 1,5 triệu đồng; ăn uống chi tiêu sinh hoạt hàng ngày; về quê thăm hỏi chăm sóc cha mẹ hai bên... là hết tiền lương của hai vợ chồng. Chỉ mong mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên để số tiền đóng thuế giảm lại cho gia đình dễ thở hơn”, anh Đăng nói.
Trung bình mỗi ngày, ngành thuế thu được 506 tỷ đồng thuế TNCN
Hai năm vật lộn với dịch COVID-19 đã bào mòn sức khỏe thể chất lẫn tài chính của không ít gia đình. Có thể thấy thu nhập của số đông đều đã bị ảnh hưởng theo hướng sụt giảm, nhiều người phải tiêu cả vào tiền tiết kiệm của gia đình, bản thân.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thuế, 7 tháng của năm 2022, tổng số tiền thu từ thuế TNCN đã đạt trên 106.385 tỷ đồng. Số thu thuế này chiếm khoảng 9,8% tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý và tương đương 15,7% tổng thu nội địa, bằng 86% tổng số thu thuế thu nhập cá nhân cả năm 2021. Như vậy, trung bình mỗi ngày, ngành thuế thu được 506 tỷ đồng thuế thu nhập của các cá nhân, người lao động.
Thống kê cho thấy, chỉ sau 7 tháng đầu năm, số tiền thuế thu nhập cá nhân nộp vào ngân sách đã tăng gấp đôi so với cả năm 2014, gần bằng số thu cả năm 2020. Trước đó, năm 2021, dù là năm chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, số từ thuế thu nhập cá nhân vẫn lên đến 123.000 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một trong những bất cập lớn hiện nay của Luật Thuế TNCN là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà, chưa thực sự hợp lý, dẫn đến nhiều vướng mắc.
Theo đó, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: (1) Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; (2) mức 5-10 triệu đồng 10%; (3) mức 10-18 triệu đồng 15%; (4) mức 18-32 triệu đồng 20%; (5) mức 32-52 triệu đồng 25%; (6) mức 52-80 triệu đồng 30% và (7) từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.
Biểu thuế này nhiều hơn so với các nước trên thế giới, đồng thời mức độ giãn cách giữa các bậc thấp còn quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế, làm tăng số thuế phải nộp.
PGS (HN:PGS). TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính
|
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, nên rút gọn biểu thuế 7 bậc hiện nay còn 3 bậc, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 đến 100 triệu đồng/tháng, và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên. Về thuế suất, bậc thấp chỉ nên thu thuế ở mức 2% thay vì 5% như hiện nay, bậc trung bình thuế suất tính 10% và bậc cao thuế suất tính 20%.
“Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí lên 18-20 triệu đồng/tháng, bởi khi giá cả thị trường đã tăng lên thì mức 11 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp. Ngoài ra, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Cùng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.
“Cần sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cho đúng nguyên tắc, bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế. Do đó, những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền trả lãi ngân hàng (trong trường hợp mua nhà phải vay ngân hàng), tiền thuê nhà... phải được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân”, ông Đức nêu ý kiến.
Đồng thời, luật sư Đức đề xuất chỉ cần ba bậc thuế, đó là bậc thấp cho người thu nhập dưới 30 triệu đồng, bậc trung bình cho người thu nhập hơn 30 triệu đồng nhưng dưới 100 triệu đồng và bậc cao cho ngưỡng hơn 100 triệu đồng/tháng. Trong đó, bậc thấp chỉ thu thuế mức 5%, bậc trung bình 10%, bậc cao 20%. Còn nếu được thì mức thấp nhất là 2% để mọi người không cảm thấy nhiều gánh nặng.
"Không có lý do gì để thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 hiện là 35%, cao gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp", luật sư Trương Thanh Đức nói./.
Cẩm Tú