Vietstock - Thu phí cảng biển: Doanh nghiệp kêu cứu
Từ ngày 1/4, TPHCM dự kiến chính thức thu phí cảng biển, mức áp dụng cho doanh nghiệp (DN) trong, ngoài TPHCM khác nhau khiến nhiều đơn vị lo lắng.
Gánh thêm tiền tỷ
Ngày 1/3, bảy hiệp hội gồm Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đồng kiến nghị về việc khởi động thu phí cảng biển của TPHCM. Các hiệp hội cho rằng, việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao, không công bằng tại thời điểm này không hợp lý.
Doanh nghiệp lo “phí chồng phí” trong hoàn cảnh nhiều chi phí đang tăng giá. Ảnh: U.P |
Các hiệp hội cho rằng, từ tháng 6 đến tháng 9/2021, đa số DN phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, DN vẫn phải chi trả nhiều khoản chi như lương cho công nhân, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho... do không xuất khẩu, bán được hàng. Từ tháng 10/2021 khi thành phố mở cửa trở lại, đa số DN cũng chỉ hoạt động cầm chừng, từ 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Đến đầu năm 2022, DN mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại phải gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng... trong khi DN vẫn thiếu vốn, thiếu công nhân.
“Việc phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng nhằm tránh ùn tắc, tăng chi phí logistics cho đô thị cảng biển lớn cả nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, giữa bối cảnh DN còn chưa vực dậy được sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, việc TPHCM khởi động việc thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4 là thời điểm không phù hợp và tạo nên tình trạng phí chồng phí”, VASEP nêu quan điểm.
VASEP cũng cho rằng, hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước tập trung tại các cảng biển của TPHCM. Trong khi đó, chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của các DN thủy sản nói riêng, các DN sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung. Chi phí tăng thêm cho một DN thủy sản quy mô trung bình là 3-3,5 tỷ đồng/năm; với DN lớn hơn khoảng 13,5-14 tỷ đồng/năm.
Chật vật
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More, nói rằng, việc nguyên nhiên liệu tăng giá, xung đột Nga - Ukraine làm tỷ giá ngoại tệ biến động… khiến DN trong nước, DN xuất - nhập khẩu ảnh hưởng nặng nề. Bây giờ thêm việc thu phí cảng biển làm DN càng thêm khó khăn. “Mức phí 250.000 đồng tính trên đầu container là cực kỳ cao, bởi nhiều đơn vị xuất khẩu thủy hải sản, nông sản có tháng đi cả mấy trăm container sẽ bị ảnh hưởng cực kỳ lớn. Đặc biệt là áp dụng trong thời điểm này rất cần TPHCM cân nhắc”, ông Luận nói. Theo ông, dù chi phí tăng cao nhưng DN không thể tăng giá bán vì hợp đồng đã ký, hơn nữa nếu DN tăng giá sản phẩm cao sẽ mất khách hàng.
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho biết, cước tàu ở cảng biển đã tăng gấp 4-5 lần, làm cho DN kiệt sức, nay chuẩn bị bồi thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến DN thêm khó khăn. Theo ông Thông, từ trước tới nay, tại một số cảng biển có thu phí, nhưng không tăng đột biến.
Ông Thông cho biết, Công ty Phúc Sinh chuyên xuất khẩu hàng nông sản. Trung bình xuất khoảng 400 container/tháng, tổng các loại phí phải trả trước đây khoảng 4 tỷ đồng/tháng, bây giờ đã lên tới hơn 15 tỷ đồng/tháng. Sắp tới, nếu có thêm các khoản phí sử dụng hạ tầng cảng biển phát sinh nữa thì DN không biết xoay xở thế nào.Với mức chi phí quá lớn, khả năng phải đóng cửa là điều có thể xảy ra. “Đây là giai đoạn rất khó khăn của các DN, dịch COVID-19 đã làm cho nhiều DN kiệt sức và chưa thể hồi phục. Do đó, tăng thêm các loại phí hạ tầng cảng biển lúc này sẽ làm DN thêm điêu đứng” - ông Thông nói.
Trước đó, nhiều DN đã tính tới việc vận chuyển container hàng tới cảng Cái Mép thay vì cảng TPHCM nhưng chi phí sẽ tăng thêm từ 3-3,5 triệu đồng/container. Điều này làm DN ngoài TPHCM buộc phải chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TPHCM gây quá tải, có thể dẫn tới ách tắc việc khai báo, chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đại diện Công ty CP gỗ Nhất Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) cho rằng, công ty đang trên đà phục hồi sản xuất và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì thiếu lao động, giá nguyên liệu tăng, chi phí logistics tăng cao. Trong thời điểm này, DN phải tính toán lại chi tiết từng đơn hàng, từng khâu sản xuất để giảm giá thành, tránh bị thua lỗ. Hiện hàng hóa vận chuyển về cảng Cát Lái chi phí hơn 4 triệu đồng/container, nếu thêm phí cảng biển 1 triệu đồng/container với DN sẽ là gánh nặng lớn.
Ðã sẵn sàng thu phí
Ông Vương Tuấn Nam, Phó trưởng Phòng CNTT Cục hải quan TPHCM cho hay, từ ngày 16/2, TPHCM chính thức bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển. Sau hơn 10 ngày thử nghiệm, hệ thống vận hành ổn định, chưa xảy ra các vướng mắc, giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận đề án với sự an tâm, tin tưởng trước khi triển khai thu phí chính thức vào ngày 1/4 sắp tới.
Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM khẳng định, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển này chúng ta thu theo luật, và số tiền thu được để bù đắp một phần cho tổng phần đầu tư công cho các khoản chung của thành phố. Do đó, đề án thu phí cảng biển sẽ chính thức triển khai vào ngày 1/4 tới đây. Trước mắt triển khai thí điểm tại 26 cảng biển ở TPHCM với mức thu thấp nhất 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng. Uớc tính mỗi năm nguồn thu phí khoảng 3.000 tỷ đồng. TPHCM sẽ thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển.
Uyên Phương