Thiệt hại nặng do dịch, TP.HCM làm gì để giữ vị thế đầu tàu kinh tế?

Ngày đăng 16:08 27/10/2021
Thiệt hại nặng do dịch, TP.HCM làm gì để giữ vị thế đầu tàu kinh tế?
PGS
-

Vietstock - Thiệt hại nặng do dịch, TP.HCM làm gì để giữ vị thế đầu tàu kinh tế?

Chuyên gia cho rằng sau thời gian dài giãn cách, doanh nghiệp TP.HCM và nhiều tỉnh, thành đang rất cần gói hỗ trợ kịp thời, giống như người bệnh cần oxy để hồi phục.

12 tỷ USD là thiệt hại mà TP.HCM phải gánh chịu sau 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, theo tính toán của PGS (HN:PGS).TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Với mức độ tổn thương này, nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm rằng Trung ương nên có gói hỗ trợ phù hợp, kịp thời để thành phố sớm vực dậy, giữ vị trí đầu tàu kinh tế, tiếp tục đóng góp cho ngân sách Trung ương và sự phát triển của cả nước.

Đòn bẩy cho TP.HCM

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thống kê năm 2020 và ước tính năm 2021 cho thấy dịch Covid-19 đã lấy đi của TP.HCM 272.937 tỷ đồng, tương đương 12 tỷ USD.

Nếu để lại cho thành phố thêm 1% ngân sách, sau một năm, Trung ương thu được 14.000 tỷ đồng.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Đối chiếu thêm một cách tính khác, ông Ngân phân tích quy mô GRDP của TP.HCM khoảng 60 tỷ USD. Năm 2020, thành phố mất 7% GRDP, tương đương khoảng 4 tỷ USD. Năm nay, GRDP dự kiến mất 11%, tương đương 7 tỷ USD. Như vậy, 2 năm 2020 và 2021, thành phố mất khoảng 11 tỷ USD.

Thêm vào đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết thu ngân sách 2 năm liên tiếp của thành phố ước hụt khoảng 60.000 tỷ đồng. Ngoài thiệt hại kinh tế, TP.HCM còn chịu tổn thương nặng nề về sức khỏe, tinh thần, tài sản, thương hiệu...

"Thiệt hại nặng như vậy nên cần phải có chính sách giúp thành phố vực dậy để khôi phục lại, tiếp tục là đầu tàu kinh tế, tiếp tục đóng góp 27% tổng thu ngân sách cả nước", ông Ngân nói.

Năm

Kế hoạch GRDP (tỷ đồng)

Tốc độ tăng trưởng dự kiến (%)

GRDP thực tế (tỷ đồng)

Tốc độ tăng trưởng thực tế (%)

Hụt thu (tỷ đồng)

2020

1.495.465

8,3-8,5%

1.371.716

1,36%

123.749

2021 (ước tính)

1.472.469

6%

1.323.261

-5%

149.208

Trước mắt, vị chuyên gia này cho rằng Trung ương phải tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố từ 18% lên 23% nhằm có nguồn vốn đầu tư hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội.

Là người theo đuổi đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ nhiều năm nay, ông Ngân phân tích nếu được tăng 1% tỷ lệ ngân sách để lại, thành phố sẽ có thêm 2.000 tỷ đồng. Số tiền này được dùng chi đầu tư công có thể tạo ra hệ số "đòn bẩy" cho vốn đầu tư xã hội khoảng 9-10, tương đương 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội.

Tính trung bình nhiều năm, tổng vốn đầu tư xã hội thường bằng khoảng 33-34% GRDP. Do đó, từ 20.000 tỷ nếu trên có khả năng tạo ra 60.000 tỷ GRDP cho TP.HCM. Khi GRDP được tạo ra thì thu ngân sách cũng sẽ tăng thêm khoảng 18.000 tỷ đồng (thu ngân sách chiếm 28-30% GRDP). Trong số này, thành phố được giữ lại 4.000 tỷ, còn 14.000 tỷ sẽ chuyển về ngân sách Trung ương.

"Như vậy, nếu để lại cho thành phố thêm 1% ngân sách, sau một năm, Trung ương thu được 14.000 tỷ đồng", ông Ngân chỉ ra.

Gói hỗ trợ cần tốc độ và chính xác

Cùng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ (chuyên ngành về kinh tế - chính trị quốc tế, Đại học Quốc Gia TP.HCM) cho rằng việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là cần thiết nhưng chưa đủ, vì dù thêm 3% hay 5% thì nguồn này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu đầu tư của thành phố.

Về tổng thể, thành phố nên có cách tiếp cận đa chiều về huy động nguồn lực cho phát triển từ tối ưu hóa quản lý công sản, giải quyết nhanh các dự án thu tiền sử dụng đất, nguồn thu từ cổ phần hóa...

Nhanh nhất có thể, thành phố cần thêm gói hỗ trợ để làm "nguồn oxy" giúp doanh nghiệp và người dân vực dậy sau thời gian dài giãn cách. Ông Vũ cho rằng gói hỗ trợ này cần đảm bảo 4 yếu tố: Quy mô, trọng tâm, tốc độ và phân vai rõ ràng.

Tăng bội chi ngân sách sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công nhưng sẽ không vượt trần.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành

Để có nguồn tiền cho các gói hỗ trợ này, Chính phủ cần chấp nhận bội chi ngân sách qua tăng vay nợ, phát hành trái phiếu để có dòng tiền. Dẫn kết quả của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), ông Vũ kiến nghị quy mô gói hỗ trợ này nên khoảng 4% GDP.

Có quan điểm tương tự khi góp ý về chính sách phục hồi kinh tế cho Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, thậm chí còn cho rằng dự toán ngân sách nên có tỷ lệ bội chi 6% GDP (tương đương 24 tỷ USD) thay vì 4% GDP.

"Việc tăng bội chi ngân sách sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công nhưng sẽ không vượt trần. Khó khăn là các giới hạn về tỷ lệ chi trả nợ trên tổng thu ngân sách và nợ Chính phủ. Nới lỏng các giới hạn này sẽ giúp tăng quy mô gói hỗ trợ kinh tế từ phía tài khóa mà vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô", ông Thành nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế năm 2022, đầu tư cơ sở hạ tầng trung hạn.

Yếu tố thứ hai được TS Trương Minh Huy Vũ đề cập về gói cứu trợ là dòng tiền cần tập trung vào TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bởi đây là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, cũng là khu vực có năng suất lao động cao nhất, đóng góp tốt nhất vào kinh tế cả nước.

Bên cạnh trọng tâm về khu vực, gói cứu trợ này cần có trọng tâm về ngành, không thể dàn trải, mà tập trung vào những lĩnh vực "không vực dậy nổi" nếu không được hỗ trợ.

Khối dịch vụ là nhóm đặc biệt cần gói hỗ trợ bởi chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế và cũng chịu nhiều thiệt hại từ đại dịch. Hạ tầng cho hệ thống y tế cơ sở là một lĩnh vực cần củng cố và có nhiều tiềm năng để thu hút nguồn lực tư nhân nếu có nguồn “vốn mồi” từ Nhà nước .

Chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ cho doanh nghiệp cần kịp thời và chính xác mới có thể vực dậy nền kinh tế. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Ông Vũ cho rằng dịch bệnh đã trở thành "chất xúc tác" giúp các ngành thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng. Tại TP.HCM, việc này thể hiện rõ trong ngành thương mại điện tử, y tế và giáo dục.

Tranh thủ thành quả này, những nhóm ngành liên quan đến kinh tế số cần được Nhà nước thúc đẩy bằng các gói “kích thích số” để TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sớm chuyển qua giai đoạn tăng trưởng mới.

Thứ ba, gói hỗ trợ này cần tốc độ và sự chính xác, nếu không, doanh nghiệp sẽ không kịp phục hồi.

Chuyên gia cho biết nếu Bộ Kế hoạch Đầu tư kịp trình dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững giai đoạn 2022-2023 trong kỳ họp Quốc hội này thì nhanh nhất đầu năm 2022 mới có thể triển khai, thậm chí chậm hơn. Với tốc độ đó, một số doanh nghiệp đã kiệt quệ có thể không chờ nổi nên gói hỗ trợ này cần tốc độ và sự chính xác.

“Một gói hỗ trợ không chỉ là tiền mà còn là cơ chế chính sách. Quan trọng là trong 2 năm tới, địa phương và Trung ương phân vai thế nào. Trung ương cần bao quát để đúng vào trọng tâm, trọng điểm mang tính quốc gia; địa phương cần sát sao, kịp thời, đảm bảo các mạch máu kinh tế không đứt quãng”, ông nói.

2 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Dù thiệt hại thời gian qua của thành phố là rất lớn, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng tùy loại doanh nghiệp vẫn có nơi lời, nơi lỗ. Do đó, Nhà nước cần chính sách hỗ trợ theo từng đối tượng, đặc biệt là doanh nghiệp ở khu vực bị giãn cách dài, giảm thu nhiều thì cần hỗ trợ nhiều. Cụ thể như ngành hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ hụt thu nhiều thì cần có chính sách khác.

Củng cố quỹ bảo lãnh tín dụng vì nhiều doanh nghiệp hiện không thể đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Ông đưa ra 2 khuyến nghị cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ nhất củng cố quỹ bảo lãnh tín dụng vì nhiều doanh nghiệp hiện không thể đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng cũng không thể cho vay dưới chuẩn bởi sẽ có nguy cơ khủng hoảng nợ xấu. Do đó, cần có quỹ bảo lãnh tín dụng đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp,

Ông nhìn nhận trước đây, nhiều người còn có tâm lý “né” quỹ tín dụng này do xuất hiện một số tiêu cực như cán bộ bảo lãnh sai, bị truy tố. Do đó, giai đoạn tới cần củng cố về con người và bổ sung về vốn để vận hành hiệu quả quỹ này. Bởi lẽ, UBND các tỉnh, thành có thể đứng ra giới thiệu chứ không thể bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Nhiều hàng quán tại TP.HCM không thể trụ vững trong dịch nên phải đóng cửa, trả mặt bằng. Ảnh: Phương Lâm.

Thứ hai là cần tiếp tục khôi phục chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng như năm 2009-2010 mà Việt Nam đã làm sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Ông đề xuất mức hỗ trợ 2-3% lãi suất, lấy từ nguồn ngân sách tiết kiệm trong đầu tư công và chi tiêu ngân sách.

“Cần khoảng 10.000-20.000 tỷ là có thể hỗ trợ dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng. Khoản này dành cho các ngành nghề bị tác động nặng, còn doanh nghiệp năm 2020-2021 có lãi thì không hỗ trợ lãi suất này mà hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp", ông nói.

Chuyên gia cho rằng hỗ trợ lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút lao động, tiếp tục gây dựng sự nghiệp và phát triển.

Thu Hằng

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.