Vietstock - Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ
Bình Dương và TPHCM đang tập trung xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để cung cấp nguyên liệu nội địa cho các DN, từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, giúp DN tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
“Xài” nguyên liệu nội địa để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất
Ông Majima Toshihiro, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Takako Việt Nam (Bình Dương), cho biết nhờ đạt được thỏa thuận với đối tác trước đó nên 6 tháng đầu năm, công ty đạt mức tăng trưởng khoảng 10%. Tuy nhiên, theo ông Majima Toshihiro, do có những biến động lớn từ thị trường thế giới nên DN đang chịu ảnh hưởng tiêu cực về nguồn cung nguyên liệu. “Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, đáp ứng các đơn hàng, chúng tôi mong muốn tìm kiếm các đối tác ngay tại Việt Nam để có nguồn nguyên liệu bền vững”, ông Majima Toshihiro nói.
Doanh nghiệp ngành CNHT có nhiều đơn hàng sau đại dịch COVID-19 ảnh: U.P |
Là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư lâu năm tại Bình Dương, ông Lim Chiew Seng, đại diện Công ty TNHH White Feathers International cho biết công ty ông muốn tìm kiếm các đối tác cung cấp nguyên liệu phụ trợ tại Việt Nam để bảo đảm nguồn cung và hạ giá thành sản phẩm.
Trong khi đó, ông Li Li, Giám đốc Công ty Gre Apha Electronic (Bình Dương) chia sẻ, trong năm 2021, công ty mẹ đã quyết định chuyển 20% đơn hàng từ các nước sang nhà máy tại Bình Dương. “Công ty mong muốn tìm kiếm các khách hàng cung cấp nguồn linh kiện tại Việt Nam để đề phòng xảy ra biến cố, nguồn nguyên liệu nhập khẩu trở nên khan hiếm”, ông Li Li cho hay.
Tại TPHCM, ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản cho biết, nhiều DN FDI đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa để phục hồi sản xuất, tiết kiệm chi phí vận chuyển nhằm tăng khả năng cạnh tranh... “Các DN FDI mong muốn được hợp tác phát triển trên tiêu chí bảo đảm chất lượng, giảm thiểu nguồn nguyên liệu nhập khẩu”.
Cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn nhưng liên kết với các DN trong nước còn yếu, chi phí cao về logistics chưa cải thiện… Nguồn cung từ các DN trong nước chỉ đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày, 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.
Công nhân sản xuất tại công ty giày da ở Bình Dương ảnh: H.C |
Để ưu tiên phát triển ngành CNHT, Bình Dương đã hình thành Khu công nghiệp (KCN) tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000 ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại KCN này. Điển hình là dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc) nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ô tô. Dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore), có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại KCN VSIP II.
Tái hoạt động sau dịch, đại diện Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh (TP.HCM) cho biết, các đối tác mua hàng đang tăng dần sản lượng sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2022, một đối tác chủ lực tăng sản lượng sản phẩm lên gấp ba lần so với trước khi xảy ra dịch COVID-19. Đơn vị này đang đẩy nhanh tiến độ xây lắp nhà máy sản xuất linh kiện cơ khí chính xác ở Khu công nghệ cao TP Thủ Đức để đưa vào hoạt động trong quý IV/2022. Sản phẩm của nhà máy này chủ yếu được xuất khẩu tại chỗ, thay thế loại hàng mà lâu nay các đối tác phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, nhiều tập đoàn sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất, hướng dẫn đầu tư máy móc, thiết bị cần thiết và đồng hành với nhà cung ứng để phát triển sản phẩm cho họ nhưng vẫn khó tìm được nhà cung cấp tiềm năng để hợp tác. Như hãng Bosch đã thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam nên rất mong muốn phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam và không ngừng tìm kiếm đơn vị cung ứng tiềm năng để hỗ trợ, đưa vào chuỗi cung ứng của họ. Nhà sản xuất mã vạch Datalogic cũng đã đầu tư nhà máy hiện đại bậc nhất tại Việt Nam và kỳ vọng vào việc phát triển nhà cung ứng nội địa.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, đặc biệt là đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực CNHT. TPHCM đã chuẩn bị 300 ha khu CNHT ứng dụng công nghệ cao, đồng thời định hướng KCN Hiệp Phước dành khoảng 60 ha làm những cụm sản xuất CNHT ứng dụng công nghệ cao để thu hút các DN. |
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, hiện nay, nhiều tập đoàn sản xuất lớn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng cường nội địa hóa để giảm chi phí và hạn chế rủi ro, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đây là cơ hội cho DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều kiện để nắm bắt cơ hội này là DN phải hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới sản xuất công nghệ cao”. |
Hương Chi Uyên Phương