Theo SSI (HM:SSI), môi trường lãi suất cao sẽ là động lực chính của tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023. Theo báo cáo cập nhật ngành bảo hiểm mới đây, Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, mặc dù vốn hóa nhóm ngành bảo hiểm giảm 12% trong năm 2022, nhưng kết quả này vẫn vượt 20% so với VNIndex.
Sự vượt trội này chủ yếu đến từ kỳ vọng về môi trường lãi suất tăng, hơn là từ tác động thực tế đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, thu nhập ròng nhóm doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết giảm 29% so với cùng kỳ.
Theo đó, diễn biến giá các cổ phiếu bảo hiểm bắt đầu ghi nhận kết quả vượt trội kể từ tháng 4/2022, khi diễn biến giá nhóm ngân hàng và bất động sản (đóng góp phần lớn vào VNIndex) bị ảnh hưởng nặng nề.
Triển vọng 2023: Tăng trưởng doanh thu phí ở mức ổn định, tuy nhiên lợi nhuận thuần hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ không khả quan
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các chuyên gia tại SSI không kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm sẽ đến từ việc tăng mức phí bảo hiểm, ngoại trừ phân khúc bảo hiểm xe cơ giới. Tăng trưởng của hầu hết các phân khúc bảo hiểm có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều hơn vào số lượng hợp đồng khai thác mới của các công ty bảo hiểm.
Với việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, nhóm phân tích tin rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động “bảo hiểm vi mô”.
"Chúng tôi cũng đã nhận thấy MIG (HM:MIG), BVGI và PTI (HN:PTI) (cùng các công ty khác) đã tích cực triển khai các sản phẩm này trong năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2023", theo báo cáo.
Đối với các nghiệp vụ bán buôn, động lực tăng trưởng có thể sẽ phụ thuộc vào giải ngân đầu tư công, việc tái khởi động các công trường xây dựng đang dang dở và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc.
Đây là những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm (đặc biệt là bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, hàng hải, tài sản & thiệt hại).
SSI dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ thấp hơn kết quả năm 2022, ở mức 10~12%. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp dự báo sẽ chịu áp lực do lạm phát cao, giá hàng hóa, vật dụng và chi phí y tế tăng lên, cũng như chi phí gia tăng do sự phức tạp của những dịch bệnh mới ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe.
Trong khi đó, mức phí bảo hiểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định dưới áp lực cạnh tranh.
Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm, có nội dung đề xuất các ngân hàng bán chéo bảo hiểm (bancassurance) phải ghi âm toàn bộ quá trình tư vấn và lưu lại trong 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng.
Mặc dù Thông tư này vẫn vẫn chưa được phê duyệt, nhưng hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm qua chi nhánh ngân hàng đang được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hơn. Nhóm phân tích tin rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của thị trường.
Tuy nhiên, môi trường lãi suất cao có thể cứu cánh cho tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm
Năm 2022, lãi suất tiền gửi đã tăng 400-500 điểm cơ bản so với đầu năm và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 257 điểm cơ bản so với đầu năm, trong khi ROI của công ty bảo hiểm vẫn ở mức 5,8% - thậm chí thấp hơn mức 7,6% của năm 2021.
Điều này chủ yếu là do lãi suất huy động chủ yếu tăng mạnh vào cuối quý 3/2022 trong khi chỉ số VNIndex sụt giảm trong năm.
Đối với năm 2023, các chuyên gia kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phản ánh hoàn toàn việc lãi suất huy động đã diễn ra trong năm 2022.
Ảnh minh họa |
Nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư sẽ đủ để bù đắp phần giảm sút của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2023.
Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ biến động khá mạnh giữa các quý. Tuy nhiên, với mức nền so sánh thấp trong quý 2 và quý 3/2022, SSI cho rằng, có thể tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ sẽ ở mức cao hơn trong quý 2 và quý 3/2023.