Vietstock - 'Sóng' dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam triển vọng đến đâu?
Các chuyên gia đồng thuận về cơ hội của Việt Nam trong làn sóng dịch chuyển đầu tư, nhưng có nhiều dự báo khác nhau về triển vọng quy mô.
Tại Diễn đàn kinh doanh "Xuyên qua vùng nhiễu động" chiều 15/10, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C tuyên bố, hoạt động của công ty này tại Quảng Ninh và Hải Phòng đã tăng 3 lần quy mô từ đầu năm đến nay.
"Thực tế là chúng tôi tăng trưởng rất nhanh", ông khẳng định và cho rằng đầu tư vào Việt Nam đang tăng. Sóng đầu tư mới đang đến, nếu không nhận thấy thì cứ đến các khu công nghiệp sẽ nhìn rõ điều đó.
Xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam đã và đang được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Theo Nikkei, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thông báo về Chương trình khuyến khích doanh nghiệp Nhật mở cơ sở ở Đông Nam Á trong chuyến công du đến Việt Nam và Indonesia 4 ngày (bắt đầu từ 18/10).
Động thái này tiếp nối nhiều thông tin triển vọng về làn sóng chuyển dịch đầu tư của doanh nghiệp nước này từ đầu năm đến nay. Đơn cử, hồi tháng 7, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) Hà Nội xác nhận, 15 trên 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN, chọn Việt Nam là điểm đến.
Không chỉ có doanh nghiệp Nhật, sóng chuyển dịch cũng đa dạng các nhà sản xuất từ nhiều nơi. Báo cáo nửa đầu năm của Bộ Công Thương đã từng ghi nhận một số tập đoàn công nghệ lớn thế giới đang lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất, đầu tư sang Việt Nam. Một số tên tuổi được nhắc tới gồm: LG, Panasonic, Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple (NASDAQ:AAPL)... "Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn đón làn sóng đầu tư này", Bộ Công Thương nhận xét.
Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM (HM:HCM)) vào tháng 7/2020, Ảnh: Quỳnh Trần.
|
Lý giải về làn sóng đầu tư đang đổ vào Việt Nam, ông Bruno nói nhiều doanh nghiệp chọn vì ngoài khống chế được Covid-19, sự ổn định chính trị xã hội là ưu điểm, trong lúc cả Thái Lan và Ấn Độ vẫn còn bất ổn.
"Thứ hai là yếu tố con người. Việt Nam có dân số lớn, chăm chỉ và nhìn chung trung thành với doanh nghiệp. Tiềm năng của thế hệ trẻ khá lớn khi tham gia thị trường lao động. Đây là lợi thế các quốc gia khác không có", ông này nói.
Ông Ooi Kim Huat, Phó chủ tịch Sản xuất và Vận hành kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cũng lý giải, các công ty hoạt động ở Trung Quốc do đối mặt với tính bất định của thương chiến Mỹ - Trung nên muốn tìm nơi sản xuất khác.
Các tiêu chí của họ là điều kiện nguồn lực sản xuất, chính sách của chính phủ hướng đến đầu tư và thu hút đầu tư, cùng hạ tầng xã hội. Nếu liệt kê ra có các nước hấp dẫn như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia.
"Trong đó, Việt Nam nổi bật là cách thức kiểm soát dịch bệnh tốt", ông nói và cho biết bản thân đánh giá Việt Nam cao nhất vì các yếu tố nhân lực, kiểm soát dịch bệnh, mở lại nền kinh tế và đã mở lại một số đường bay quốc tế.
Tuy nhiên, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN có cách nhìn khiêm tốn hơn. Theo ông Thành, không một công ty đa quốc gia hay công ty Mỹ nào muốn rời Trung Quốc, dù là do thương chiến hay Covid-19. "Họ chỉ mở rộng ngoài Trung Quốc để tránh thuế Mỹ, gọi là chiến lược Trung Quốc+1", ông giải thích.
Mục đích của những doanh nghiệp mở rộng thêm địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc là để phục vụ các thị trường ngoài Mỹ. Vị chuyên gia đánh giá, những khoản đầu tư mới sẽ đi tìm các địa điểm như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar hay Mexico...Trong đó, Việt Nam sẽ là lựa chọn hàng đầu.
"Nhưng vấn đề là các khoản đầu tư này có nhiều và lớn không. Trong các doanh nghiệp thuộc hội đồng chúng tôi thì không quá nhiều, cũng không ồ ạt như những làn sóng trước", ông Thành đánh giá.
Theo ông, quy mô đầu tư ở làn sóng này có 2 dạng, gồm vài dự án lớn, trị giá hàng trăm triệu USD, còn lại là các dự án mở rộng đầu tư. Rất hiếm tìm được những nhà đầu tư lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Tổng cục thống kê cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, dự án quy mô lớn nhất là Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD. Ngoài ra, có 2 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc tăng vốn quy mô lớn hàng trăm triệu USD.
Dù triển vọng ở mức nào, các chuyên gia cho rằng để đón được làn sóng đầu tư mới, Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Ông Ooi Kim Huat quan tâm đến việc cải thiện năng lực chuỗi cung ứng tại chỗ.
"Nếu nhìn vào chuỗi cung ứng của Intel thì chúng tôi vẫn phải nhập linh kiện quan trọng. Chúng tôi đang cố gắng phát triển nhà cung ứng nội địa. Nếu chúng ta cung ứng được tại chỗ sẽ cắt giảm thời gian và rút ngắn chuỗi cung ứng", ông nói.
Trong khi đó, ông Bruno Jaspaert cho rằng, đã nhiều lần đề cập đến vấn đề cần đơn giản hóa thủ tục hành chính. "Chúng ta phải cải tiến về hành chính, hải quan và chi phí logistics đang quá cao", ông nói.
Viễn Thông