Vietstock - Sản xuất công nghiệp tại TP.HCM nhiều khởi sắc
Theo Cục Thống kê TP.HCM, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong sáu tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 năm 2022 ước tính tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Tính chung sáu tháng đầu năm chỉ số IIP trên địa bàn TP tăng 3,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khai khoáng tăng 68,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,0%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,6%
Đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 7,0%; ngành cơ khí tăng 1,8%; ngành hóa dược tăng 20,8%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 9,2%.
Trong sáu tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của ba ngành công nghiệp truyền thống tăng 5,0% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất trang phục tăng 12,7%; ngành dệt tăng 12,0%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 7,0%.
Sản xuất bia là một trong những lĩnh vực tăng trưởng mạnh. ẢNH: TÚ UYÊN |
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong sáu tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ như bao bì đóng gói bằng plastic đạt 314,5 ngàn tấn, tăng 54,5%, bia chai, bia lon đạt 648,8 triệu lít, tăng 12,6%.
Vải đạt 580 triệu mét, tăng 10,3%, quần áo các loại (trừ quần áo thể thao) đạt 422,8 triệu cái, tăng 10,3%, bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa đạt 429,8 ngàn tấn, tăng 4,7%....
Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ như tivi đạt 4.673,1 cái, giảm 32,6%; sổ sách, vở, giấy và các sản phẩm bằng giấy khác đạt 26,4 ngàn tấn, giảm 18,4%. Sữa hoặc kem đặc có đường/không có đường đạt 39,9 ngàn tấn giảm 14,2%...
Tính chung sáu tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Một số ngành có mức tiêu thụ tăng mạnh như in, sao chép bản ghi các loại tăng 64,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 34,6%. Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 25,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 24,4%...
Một số ngành có mức tiêu thụ giảm mạnh như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 48,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 38,6%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng sáu năm 2022 ước tính tăng 22,0% so với cùng kỳ.
Một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tồn kho chung của toàn ngành công nghiệp như sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 91,6%; sản xuất trang phục tăng 52,4%...
Bên cạnh đó, một số ngành có mức tồn kho giảm mạnh như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 41,0%; sản xuất thiết bị điện giảm 33,0%; sản xuất đồ uống giảm 11,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 9,4%...
38,3% DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn quý II Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh quý II so với quý I được cải thiện. Có 32% DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, 39,1% giữ ổn định và 28,9% khó khăn hơn. Khu vực DN nhà nước có 86,1% DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên và giữ ổn định. Tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 70,4%; 68,8%. Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III so với quý II khả quan, có 38,3% DN đánh giá tốt hơn, 39,3% giữ ổn định và 22,4% khó khăn hơn. 80,6% DN nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III, tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài tương ứng là 79,8%, 72,3%. |
TÚ UYÊN