Vietstock - Sàn giao dịch nợ VAMC: Viễn cảnh thành 'chợ hoang'?
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới đây thông báo sẽ khai trương sàn giao dịch nợ VAMC (sàn giao dịch) hoạt động theo mô hình chi nhánh. Sàn này đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tại Hà Nội.
* "Muốn bán bất cứ tài sản hay khoản nợ nào cứ mang qua Sàn giao dịch nợ VAMC"
* VAMC và con đường trở thành cứu cánh nợ xấu cho các ngân hàng
Hoạt động chính của sàn cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Mục tiêu hoạt động của sàn là tạo lập, cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu, từ đó đẩy cao vị thế VAMC nhằm tạo động lực xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển với vai trò trung tâm của VAMC trên thị trường.
Mô hình chi nhánh là cái chi?
VAMC thông báo sàn giao dịch này hoạt động theo mô hình chi nhánh. Thông thường, nói đến chi nhánh thì sẽ phải nói đến những thứ liên quan như hội sở chính, tổng công ty... để phân biệt với chi nhánh. Ở đây, có thể coi bản thân VAMC đóng vai trò như hội sở chính hay tổng công ty, còn sàn giao dịch là chi nhánh.
Nhưng cũng khái niệm chi nhánh lại thường cho thấy chi nhánh phải có chức năng tương tự như hội sở chính, kiểu như ngân hàng XYZ, chi nhánh Hà Nội.
Dường như việc thành lập sàn giao dịch này chỉ là việc chạy theo “quy hoạch” được cho ra đời từ nhiều năm trước, không phù hợp với, không lường trước được tình hình trong tương lai. |
VAMC và sàn giao dịch này có cùng chức năng tư vấn, môi giới, mua bán tài sản, nợ xấu. Tuy nhiên, bản thân VAMC không có chức năng là cái “sàn”, nôm na là cái chợ, như của sàn giao dịch. Vậy thì đẻ ra sàn giao dịch rồi dán cho nó cái nhãn là chi nhánh của VAMC xem ra rất gượng ép.
Phải thừa nhận rằng chuyện câu chữ này có vẻ quá “tiểu tiết”. Nhưng thực ra thì nó không phải là không có ý nghĩa, vì ít nhất nó cho thấy nếu không giải đáp thỏa đáng những bất cập chữ nghĩa này thì điều đó đồng nghĩa với việc không cần thành lập sàn giao dịch (hoặc một cái tên khác) với đầy đủ ban bệ, cơ chế, biên chế, tiêu tốn thêm một mớ ngân sách nữa.
Nói cách khác, VAMC hoàn toàn có thể “mở lòng” mình ra để bao trọn chức năng cái chợ của sàn giao dịch, chẳng hạn như kiểu dành ra một (số) phòng làm việc trong trụ sở VAMC và treo biển bên ngoài “Phòng/sàn giao dịch tài sản” là đủ.
Viễn cảnh “chợ hoang”?
Công bằng mà nói, việc thành lập sàn giao dịch dù muốn hay không thì đã được “quy hoạch” từ trước, là sản phẩm ắt phải được cho ra đời theo Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020 hướng đến 2022 nếu các tổ chức và cá nhân liên đới không muốn bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Đáng lưu ý là cho đến tháng 12-2020, đã có 21 tổ chức tín dụng thanh toán hết trái phiếu đặc biệt tại VAMC. Từ đó đến nay, VAMC chỉ còn quản lý nợ xấu của 18 tổ chức với gần 92.000 tỉ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt. Con số nợ đã xử lý bởi VAMC cùng các tổ chức tín dụng lũy kế đến 31-12-2020 là trên 290.000 tỉ đồng, nhưng riêng trong năm 2020, con số này là 46.000 tỉ đồng. Cứ với cái đà xử lý này thì con số 92.000 tỉ đồng nợ mà VAMC đang quản lý có lẽ sẽ được xử lý trong vòng hai năm tới, kể cả khi không có sàn giao dịch.
Trong khi đó, sứ mệnh mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt VAMC có lẽ đã gần như kết thúc, vì các ngân hàng yếu kém với tỷ lệ nợ xấu trên 3% phần lớn là ngân hàng cỡ nhỏ, đã được phát hiện và giám sát chặt chẽ. Nợ xấu của chúng thì đã hầu như phải bán cho VAMC trước đó, đổi lấy trái phiếu đặc biệt VAMC. Còn nợ xấu được VAMC mua (mới) bằng tiền thật thì chắc chắn sẽ ở quy mô không đáng kể bởi nguồn vốn rất hạn chế của VAMC.
Lưu ý rằng dù Ngân hàng Nhà nước đề xuất mở rộng lĩnh vực hoạt động của VAMC hướng đến mua bán nợ và tài sản của mọi thành phần kinh tế, nhưng việc này chỉ có thể bắt đầu trong giai đoạn từ năm 2026 trở đi.
Như vậy, nguồn hàng cho sàn giao dịch sẽ chủ yếu là nợ và tài sản khác của các tổ chức và cá nhân, nằm ngoài hoặc không do VAMC quản lý, ít nhất cho đến năm 2026 hoặc xa hơn. Vấn đề là sàn giao dịch sẽ làm gì và như thế nào để cạnh tranh thu hút nguồn hàng này lên sàn để giao dịch tại thời điểm hiện tại và trong tương lai?
Cần nhớ, ngoài VAMC, còn có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thuộc Bộ Tài chính, và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các ngân hàng (AMC) cũng có hầu hết các chức năng và nhiệm vụ, cùng cạnh tranh với (sàn giao dịch của) VAMC. Sự cạnh tranh, theo cơ chế thị trường, là rất tốt ở cái nghĩa là nó buộc mọi chủ thể liên quan phải dốc sức để tăng hiệu quả hoạt động, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với khả năng có thể xảy ra là, vì bị cạnh tranh nên sàn giao dịch của VAMC sẽ... bị ế!
Về phía người mua, dường như (sẽ) có những hạn chế và điều kiện để không phải ai thích thì đều sẽ trở thành người mua (tiềm năng), đều có thể tham gia vào sàn giao dịch. Bình thường thì tìm người được người mua đã khó, nay có thêm những điều kiện và hạn chế như vậy thì chắc chắn số người quan tâm và được lên sàn để tìm mua tài sản sẽ càng ít hơn. Tất nhiên là khi người mua ít vãng lai thì người bán cũng không mấy mặn mà tìm đến kinh doanh ở cái chợ đó.
Còn nói về năng lực “chuyên môn” của VAMC, được nhấn mạnh như một điểm nhấn, là lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng (cả phía cung và cầu). Chỉ qua một ví dụ thực tế là cho đến nay, một việc cơ bản như thẩm định giá mà VAMC cũng không thể thực hiện nổi, vẫn phải thường xuyên đem ra đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá từ bên ngoài (tức phải thuê ngoài), là có thể thấy năng lực thực sự của (sàn giao dịch) VAMC.
Tóm lại, càng nhìn nhận sâu vào vấn đề thì càng thấy dường như việc thành lập sàn giao dịch này chỉ là việc chạy theo “quy hoạch” được cho ra đời từ nhiều năm trước, không phù hợp với, không lường trước được tình hình trong tương lai. Kết quả của những việc như vậy đương nhiên thường là không tốt, mà trong trường hợp này rất có thể là tình trạng “hoang hóa” trên chợ giao dịch nợ xấu của VAMC.
Phan Minh Ngọc